Cụ thể, theo Thông báo số 5424/TB-BNV, trong năm 2007, Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển đối với 3 chức danh lãnh đạo cấp Vụ gồm: 1 Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (phụ trách lĩnh vực kế hoạch); 1 Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương (phụ trách lĩnh vực chế độ tiền lương đối với quân đội; công an; cơ yếu; công chức, viên chức ngành Y tế, tòa án, Kiểm sát, Thanh tra, Tư pháp) và 1 Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (phụ trách lĩnh vực hợp tác song phương, đa phương; công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức tại nước ngoài; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế).
Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi tuyển: Từ ngày 16/10/2017 đến hết ngày 10/11/2017 (tính theo dấu bưu điện đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện).
Địa điểm tiếp nhận hồ sơ: Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ - Số 8 phố Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Trước đó, ngày 10/10/2017, Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch số 5400/KH-BNV thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương tại một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ năm 2017 và năm 2018.
Theo đó, các chức danh thi tuyển gồm: 1 Phó Chánh Văn phòng Bộ, 1 Phó Chánh Thanh tra Bộ, 1 Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, 1 Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, 1 Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, 1 Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương, 1 Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và 1 Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước.
Đối tượng dự thi là công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và nằm trong quy hoạch của chức danh thi tuyển đang công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh thi tuyển.
Công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ hoặc tại các Bộ, ngành, địa phương khác, nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh thi tuyển và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh thi tuyển.
Công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh thi tuyển hoặc chức danh tương đương với chức danh thi tuyển (bao gồm cả trường hợp không công tác tại đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh thi tuyển và có thể không phải là đảng viên) được tập thể Lãnh đạo Bộ Nội vụ đề cử và được Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đồng ý bằng văn bản.
Ngoài ra, đối tượng dự thi phải đáp ứng các tiều chuẩn, điều kiện chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh.
Hồ sơ đăng ký dự thi, bao gồm: Đơn đăng ký dự thi (theo mẫu đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ); Sơ yếu lý lịch cán bộ theo mẫu 2C-BNV/2008 (được cơ quan nơi người dự thi đang công tác xác nhận tại thời điểm đăng ký dự thi, trong đó ghi nhận xét, đánh giá); Bản tự nhận xét, đánh giá của cá nhân (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền); Bản kê khai tài sản và thu nhập theo quy định của pháp luật tại thời điểm đăng ký dự thi; Bản nhận xét, đánh giá của cấp ủy nơi cư trú; Văn bản xác nhận trong diện quy hoạch của người dự thi (được cấp có thẩm quyền phê duyệt); Bản sao (có công chứng) các văn bẳng, chứng chỉ; Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp (trong thời hạn 30 ngày tính đến ngày nhận hồ sơ đăng ký dự thi).
Trường hợp người tham gia dự thi (đăng ký tham gia dự thi hoặc được đề cử tham gia dự thi) từ nơi khác thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nơi người tham gia dự thi đang công tác đồng ý cho người đó tham gia dự thi và chuyển công tác nếu trúng tuyển.
Bộ Nội vụ cho biết, thời gian tổ chức thi, được chia làm 2 đợt: Đợt 1, thi tuyển 3 chức danh, gồm: 1 Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; 01 Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương và 1 Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.
Thời gian đăng thông báo và tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi: từ ngày 16/10/2017 đến hết ngày 10/11/2017.
Thời gian thẩm định hồ sơ: Từ ngày 13/11/2017 đến ngày 21/11/2017.
Thông báo danh sách người đủ điều kiện dự thi: Từ ngày 22/11/2017 đến ngày 06/12/2017. Thời gian tổ chức thi viết: Ngày 11/12/2017. Thời gian tổ chức thi trình bày Đề án: 21-22/12/2017.
Đợt 2, thi tuyển 5 chức danh, gồm: 1 Phó Chánh Văn phòng Bộ; 1 Phó Chánh Thanh tra Bộ; 1 Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương; 1 Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và 1 Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước.
Thời gian đăng thông báo và tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi: từ ngày 01/10/2018 đến ngày 19/10/2018. Thời gian thẩm định hồ sơ: Từ ngày 22/10/2018 đến ngày 30/10/2018.
Thông báo danh sách người đủ điều kiện dự thi: Từ ngày 1/11/2018 đến ngày 15/11/2018. Thời gian tổ chức thi viết: Ngày 22/11/2018. Thời gian tổ chức thi trình bày Đề án: 5-6/12/2018.
Về nội dung, hình thức thi tuyển, các thí sinh dự tuyển phải tham gia thi viết và thi trình bày đề án. Trong đó, nội dung thi viết bao gồm: Kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự thi và các nội dung khác do Hội đồng thi tuyển quy định.
Bài thi viết được chấm theo thang điểm 100. Kết quả bài thi viết là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng thi tuyển tham gia chấm thi.
Người dự thi phải có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên mới được tham gia phần thi trình bày Đề án.
Trường hợp người dự thi có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên, nhưng có 2 thành viên Hội đồng thi tuyển chấm điểm bài thi viết dưới 50 điểm thì Thư ký Hội đồng thi tuyển phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi tuyển xem xét, quyết định việc chấm lại đối với bài thi này.
Nội dung thi trình bày đề án, đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự thi nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi tuyển và những người tham dự.
Chủ đề cụ thể của Đề án đối với từng chức danh thi tuyển sẽ được thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Nội vụ.
Điểm thi trình bày Đề án được chấm theo thang điểm 100. Cơ cấu điểm gồm 3 phần, cụ thể như sau: Xây dựng Đề án: 20 điểm; Bảo vệ Đề án: 40 điểm; Trả lời các câu hỏi chất vấn: 40 điểm.
Thời gian trình bày Đề án tối đa 30 phút. Thời gian trả lời các câu hỏi chất vấn về Đề án 30 – 40 phút.
Thành phần những người tham dự phần thi trình bày Đề án của người dự thi, gồm: Toàn bộ Hội đồng thi tuyển; Lãnh đạo đơn vị, đại diện công đoàn, đại diện đoàn thanh niên và công chức của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển được quyền đăng ký tham dự và chất vấn người dự thi.