Về việc này, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) nhấn mạnh quan điểm, trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện hoặc từ thông tin báo chí nêu, Bộ đề xuất cho Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xử lý, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
Theo đại diện Bộ Nội vụ, từ 2016 đến nay, Bộ đã có nhiều văn bản tham mưu cho Thủ tướng và từ năm 2017 có đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải chủ động tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh, rồi xử lý theo thẩm quyền, sau đó mới gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo.
“Qua vụ việc dư luận phản ánh về việc bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định, bản thân Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và tỉnh đã có những biện pháp để tổ chức kiểm tra ngay.
Nếu phát hiện sai phạm thì theo thẩm quyền, Ban Thường vụ tỉnh sẽ xử lý theo thẩm quyền. Trên cơ sở kết quả báo cáo của tỉnh Bình Định, nếu thấy chưa phù hợp, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng, để chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định”, ông Long nói.
Về câu hỏi có lợi dụng chính sách thu hút cán bộ trẻ để bổ nhiệm người nhà, người thân hay không? Theo Bộ Nội vụ, trong vận dụng chính sách thu hút của tỉnh, do quy định chưa cụ thể nên bộ, ngành, địa phương tự đặt ra chính sách để thu hút, trong đó có những quy định vượt rào.
Nếu hỗ trợ bằng kinh phí, bằng tiền hoặc bằng các quy định mang tính hỗ trợ chính sách thì không sao, nhưng thu hút cán bộ trẻ mà trái với quy định chung thì qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ đều có kiến nghị phải sửa đổi.
Bộ Tư pháp nếu thấy trái các quy định của Chính phủ hay của Đảng cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung, chấm dứt ngay các chính sách vượt so với quy định chung.
Cùng đề cập đến việc lợi dụng chính sách thu hút nhân tài để “cài cắm” người nhà vào bộ máy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đặt vấn đề: Tại sao lại có nhiều trường hợp muốn vào Nhà nước, nhưng ngược lại cũng có nhiều người muốn rời cơ quan Nhà nước?
Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước có cần phải cạnh tranh với các loại hình khác không? Theo ông, hiện nay nhiều tổ chức nước ngoài đã thu hút được nhiều nhân tài cao cấp, nếu không có chính sách tốt sẽ không kéo được người tài vào bộ máy Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Thừa nhấn mạnh, các đối tượng này dứt khoát phải là những người xuất sắc thực sự, phải là những thạc sỹ, tiến sĩ trẻ tuổi.
Trước mối lo nhiều thạc sĩ, tiến sỹ “giấy”, ông Thừa cho biết, sẽ phải lọc qua kênh thứ hai là phải có bài báo nước ngoài, hoặc công trình nghiên cứu được cấp có thẩm quyền đánh giá.
Rồi khi học phổ thông, đã là người tài phải tham gia và đoạt giải ba quốc gia trở lên, hoặc tham gia thi toán quốc tế.
Sang công đoạn lọc thứ 3, hàng năm sẽ cập nhật, theo dõi và công khai, ai học tốt, học giỏi sẽ biết ngay. Sau này khi đạt tiêu chuẩn, chắc chắn sẽ nhận được sự giám sát chặt chẽ.