Trao đổi với PV về tình hình đê điều mới nhất ngày 16/10, ông Vũ Xuân Thành cho biết: "Trong đợt mưa lũ từ 10/10 đến 13/10/2017, trên các tuyến đê đã xảy ra 170 sự cố/45.934m (đê từ cấp III trở lên: 60 sự cố; đê dưới cấp III: 110 sự cố). Trên các tuyến đê dưới cấp III là 110 sự cố/35.166m."
Trong đó có 40 điểm sạt lở đùn sụt nghiêm trọng đặc biệt nguy hiểm. Những điểm trên một số tuyến đê của tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra những sự cố rất nguy hiểm như: Sự cố nứt mặt đê, sạt lở mái đê phía sông đê tả Chu.
Sạt lở mái đê phía sông đê hữu Mã. Nước tràn và xấp xỉ tràn qua đỉnh đê tả, hữu sông Lạch Trường (tổng chiều dài 3.276m). Sự cố bãi sủi ở hạ lưu đê tả Chu. Lỗ phụt nước đục hạ lưu đê hữu sông Lèn.
Các tuyến đê dưới cấp III đã xảy những sự cố nguy hiểm như: Sự cố lủng mang cống trạm bơm Quang Hoa tại Km14+350 đê hữu Cầu Chày; sự cố sập hai bên mang cống Ông Công đê hữu sông Hoàng; nhiều đoạn đê tả, hữu Cầu Chày bị tràn và xấp xỉ tràn.
Ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng vụ Đê điều (bộ NN&PTNT)
Công tác tuần tra canh gác, ứng cứu, hộ đê ở các địa phương là kịp thời. Với phương châm "bốn tại chỗ" đã cứu nhiều đoạn khỏi tình trạng vỡ đê.
Như đoạn đê sông Lèn mặc dù nước lũ sấp xỉ mặt đê nhưng địa phương với công tác hộ đê kịp thời đã không để tình trạng vỡ đê xảy ra".
Trả lời câu hỏi của PV về công tác phòng chống thiên tai cũng như công tác hộ đê trong trận lụt vừa qua, ông Thành cho biết: "Trong đợt mưa lũ vừa qua, mực nước trên các tuyến sông như Hoàng Long vượt mức lũ lịch sử.
Hệ thống sông Chu, sông Mã, sông Lạch Trường, sông Lèn ở Thanh Hóa đều vượt mức lũ lịch sử. Đặc biệt trên sông Lạch Trường, nước lũ đã xấp xỉ mặt đê.
Lý giải về việc vỡ đê trên nhiều tuyến, ông Thành cho hay: "Sau sự cố hàng loạt tuyến đê vỡ trong trận lũ năm 2007, các tuyến đê đã được nâng cấp và tu bổ theo từng năm, luôn luôn sẵn sàng ứng phó với lũ lụt và thiên tai. Tuy nhiên, mùa lũ năm nay nước lũ đã vượt "tiêu chuẩn thiết kế" của đê.
Ví dụ như đê sông Bùi, khi chống lũ đến một ngưỡng nhất định thì phải tràn chứ không thể giữ bằng mọi giá. Nếu như vậy sẽ ảnh hưởng đến các đê bao tuyến trên rất nguy hiểm.
Cũng phải nói thêm về trận lũ lụt lịch sử vừa qua, nước lũ còn vượt qua tiêu chuẩn thiết kế của các tuyến đê chính được xếp loại đê cấp III. Vì vậy các đê bao, đê bối nhỏ, thấp hơn đê cấp IV, cấp V bị tràn sau đó bị vỡ trên nhiều tuyến.
Tuy nhiên công tác hộ đê ở một số địa phương là tốt nên đã giữ được nhiều tuyến đê trọng yếu. Cũng phải nói thêm đây là trận lũ chưa từng có trong tiền lệ nên công tác di dời ở một số địa phương còn hạn chế gây thiệt hại lớn về người và của".
Chia sẻ về tình hình đê điều trên toàn hệ thống, ông Thành cho biết, toàn hệ thống có rất nhiều tuyến đê hiện đang xuống cấp và không đảm bảo an toàn.
Hàng năm, bộ NN&PTNT và tổng cục Phòng, Chống thiên tai hướng dẫn các địa phương đánh giá kiểm tra hiện trạng đê trước mùa lũ, trên cơ sở đó xác định vị trí sung yếu và xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ trọng điểm, sẵn sàng ứng cứu trong mùa mưa lũ.
Theo thống kê năm 2017, có hơn 200 vị trí đê trọng điểm xung yếu có thể xảy ra sự cố.
Hiện nay, tổng cục Phòng, Chống thiên tai vẫn thường xuyên đôn đốc kiểm tra trong mùa mưa lũ và nghiêm túc thực hiện Công điện số 1560/CĐ-TTg ngày 12/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Công điện số 82/CĐ-TW ngày 13/10/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 11.