Thông điệp 5K nay chỉ còn 2K
Mới đây, Bộ Y tế đã có thông báo sửa đổi thông điệp 5K thành 2K, bao gồm khẩu trang và khử khuẩn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ, đúng theo lịch hướng dẫn từ Bộ, kết hợp với các yếu tố gồm thuốc, điều trị, công nghệ và ý thức trong phòng dịch.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.
Nhiều quy định về phòng chống dịch Covid-19 hiện đã được bãi bỏ
Với việc sử dụng khẩu trang để phòng chống Covid-19, Bộ Y tế khuyến khích người dân đeo khi đến nơi công cộng như: Rạp hát, rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng..., hoặc các địa điểm có không gian mở như sân vận động, công viên, đường phố, bến xe.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng quy định việc bắt buộc đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19; các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 và áp dụng cụ thể với một số địa điểm và đối tượng theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 6-9 của Bộ Y tế.
So với hướng dẫn đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng do Bộ Y tế ban hành tháng 2-2021, những nơi tập trung đông người như chung cư; trường học; khu vui chơi, rèn luyện sức khỏe, khu vực hoạt động ngoài trời; điểm dừng khi tham gia giao thông, không nằm trong hướng dẫn bắt buộc đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, ở hướng dẫn trước, tất cả những người tham gia hoạt động nơi công cộng phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần dưới 2 mét, quy định này cũng đã không còn ở hướng dẫn mới.
Bộ Y tế đã bỏ quy định cách ly với F1
Trước đó, nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) được Bộ Y tế đưa ra từ tháng 8-2020, khi Việt Nam trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai. Bộ Y tế cho rằng Việt Nam sẽ phải chống dịch thời gian dài, người dân cần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhiều tháng qua, trong bối cảnh bình thường mới, tỉ lệ phủ vắc-xin ngày cao, nhiều ý kiến cho rằng quy định 5K không còn phù hợp khi nhiều quy định phòng chống dịch của nước ta đã được nới lỏng hoặc bãi bỏ như: Bỏ cách ly người tiếp xúc gần (F1); người nhập cảnh không phải khai báo y tế, bỏ xét nghiệm khi nhập cảnh Việt Nam… Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng nên mạnh dạn bỏ hết các hạn chế ràng buộc của thời chống dịch để quay về cuộc sống bình thường cũ, kể cả việc bỏ đeo khẩu trang.
Ông Nguyễn Tuấn Hùng, sống ở quận Đống Đa (Hà Nội), cho rằng hiện tại, tỉ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 của Việt Nam thuộc mức cao trên thế giới, mọi hoạt động kinh tế - xã hội cũng đã trở lại bình thường từ nhiều tháng nay. Việt Nam cũng đã trải qua vài kỳ nghỉ lễ lớn, tập trung đông người nhưng số ca nhiễm không đến mức gây quá tải bệnh viện. "Đây có thể được coi là tín hiệu đáng mừng, cho thấy chúng ta đã đạt miễn dịch cộng đồng. Do đó, nên mạnh dạn loại bỏ những quy tắc cũ, trong đó có cả việc bỏ đeo khẩu trang để quay về trạng thái bình thường cũ"- ông Hùng nêu quan điểm.
Số mắc và tử vong đang tăng trở lại
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong tháng 8, cả nước ghi nhận gia tăng số bệnh nhân Covid-19 nhập viện, khỏi bệnh, nặng so với tháng 7-2022. Cụ thể ghi nhận 249 trường hợp nhập viện tại các cơ sở điều trị (tăng hơn 300%); 204 người khỏi bệnh, ra viện (tăng 320%) và bệnh nhân nặng, nguy kịch cần thở ôxy (tăng 316%).
Theo Bộ Y tế, trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc, nhất là trong 7 ngày qua (2 đến 8-9) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.500 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Số ca mắc và tử vong do Covid-19 đang tăng trở lại
"Dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại"- Bộ Y tế nhận định.
Trong tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới hồi tháng 8, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số khác như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Với sự gia tăng số ca mắc Covid-19, tăng các ca bệnh nặng và tử vong, trong bối cảnh người dân có tâm lý chủ quan, lơ là các biện pháp phòng dịch nhiều ý kiến cho rằng việc khuyến khích sử dụng khẩu trang khi đến nơi công cộng và áp dụng bắt buộc cho một số trường hợp là cần thiết.
Lý giải thêm điều này, PGS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cho biết trong thời gian áp dụng 5K phòng ngừa Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác cũng đã giảm rõ rệt. Vì vậy, dù tình hình dịch hiện nay được kiểm soát, việc duy trì một số biện pháp như khẩu trang và khử khuẩn phòng bệnh vẫn là cần thiết bởi không chỉ có Covid-19 mà còn có rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành.
Việc đeo khẩu trang được khuyến khích với người dân khi đến nơi tập trung đông người
"Tôi cũng đồng tình với hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về đeo khẩu trang. Việc sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng là một biện pháp dự phòng cá nhân góp phần làm giảm sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là đối tượng nguy cơ cao như người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người béo phì"- PGS Phu nhấn mạnh.
Theo một số chuyên gia, tại thời điểm này, khi biến thể Covid-19 vẫn liên tục thay đổi thì việc đeo khẩu trang vẫn rất cần thiết nhất là tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, phòng khám, khu vui chơi công cộng, phòng kín có tập trung đông người…
PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhưng không có nghĩa chúng ta đã khống chế được hoàn toàn dịch bệnh. Trong thời gian sắp tới vẫn còn rất nhiều nguy cơ lây lan cũng như sự xuất hiện của các biến chủng nguy hiểm mới. Do vậy ý thức vẫn là trên hết, người dân phải tự nhận thức được nguy cơ dịch bệnh để bảo vệ chính mình và bảo vệ thành quả chống dịch chung của cả nước.