Bổ nhiệm cán bộ: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”

N. Huyền |

Một số đại biểu Quốc hội đã đưa ra ý kiến thẳng thắn xung quanh câu chuyện bổ nhiệm con em lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hiện nay.

"Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ"

Nói về vụ việc nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai vào Hội đồng thành viên Sabeco, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, khi Tổng Bí Thư đã chỉ đạo thì đương nhiên đã có tính toán những giải pháp để xử lý.

“Tôi cho rằng đây là tình trạng đáng lo, vì hiện tượng này không đơn thuần chỉ ở chỗ này chỗ kia mà xuất hiện rất nhiều nơi.

Có huyện, cả dòng họ làm lãnh đạo huyện, người thân trong gia đình thay nhau làm lãnh đạo huyện. Bây giờ ở các bộ, ngành cũng có tình trạng đưa con cháu mình vào.

Vấn đề này, ĐBQH cũng rất bức xúc và đã phát biểu nhiều lần “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”, mà bây giờ trí tuệ còn rớt xuống thứ 5, thứ 6 rồi.…

Vấn đề này không khỏi gây bức xúc nhưng liệu đã phổ biến chưa thì còn phải rà soát rất chặt chẽ về mặt quy trình.

Trường hợp nào cũng nói quy trình đúng nhưng đến con người cụ thể lại có chuyện này chuyện nọ” – đại biểu Đặng Thuần Phong nói.

Theo ông Phong thì không thể có quy trình đúng mà đưa ra những con người vào vị trí sai, không đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân!

Như thế công bằng xã hội, con em của những người khác lấy gì có cơ hội để kiếm được việc làm và phát triển được khả năng của mình?

“Nếu vấn đề này không được xử lý tốt mà còn để kéo dài thì hậu quả sẽ khôn lường và lòng tin của người dân đối với xã hội, với Đảng, Nhà nước sẽ giảm đi.

Tôi tin rằng với chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, những vấn đề này sẽ được bộc bạch, phơi bày ra và được xử lý một cách rốt ráo, tốt hơn, lấy lại lòng tin của nhân dân” – đại biểu Phong nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm trên, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, sự chỉ đạo của Tổng Bí thư là cần thiết để nâng cao vị trí, trách nhiệm của Đảng viên tham gia vào bộ máy nhà nước.

“Thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh lãnh đạo Tổng Công ty xây lắp dầu khí, thua lỗ hơn 3000 tỷ đồng nhưng lại đề bạt vị trí cao hơn.

Điều này thể hiện yếu kém trong đề bạt cán bộ. Tôi không dùng chữ yếu kém mà là kẽ hở để người ta lách. Họ tinh vi lắm chứ không yếu kém chút nào.

Điều này trở thành không bình thường. Người có trách nhiệm làm thất thoát tài sản lại được thăng chức. Trong khi đó, chúng ta luôn luôn nói đến trách nhiệm, nhưng trách nhiệm lại là khái niệm rất trừu tượng.

Chúng tôi nghĩ lúc này phải gắn với trách nhiệm cá nhân là hết sức quan trọng. Khen chê là phải rõ, cụ thể!” – đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Quy trình đúng mà kết quả sai?

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh: "Có điệp khúc mà mọi người hay nói "Quy trình thì đúng mà kết quả thì sai" là vấn đề ở đâu? Cái gì cũng do con người làm, tức là phẩm chất của người thực hiện.

Cái quan trọng thứ hai là sự giám sát của nhân dân không có. Nếu có cơ chế để người dân giám sát, chắc chắn người dân sẽ phát hiện sớm hơn rất nhiều".

Trong khi đó, đại biểu Đặng Thuần Phong cũng cho rằng, nếu đúng quy trình mà khách quan thì hoàn toàn ổn, nhưng gài người của mình và yêu cầu “đàn em, đồ đệ” của mình làm theo quy trình đó thì bản thân quy trình đó đã sai rồi!

Bởi vì ở bước đầu tiên trong khâu lựa chọn đã đưa con em mình vào chứ không phải là người tài thực sự được đơn vị lựa chọn ra. Quy trình chẳng qua là hình thức mà thôi!

“Ai quyết định quy trình đó? Chúng ta có quy trách nhiệm cho người quyết định quy trình đó không?

Anh quyết định quy trình đúng nhưng cách làm là sai thì xử lý như thế nào? Dường như chúng ta không có chế tài gì, cũng không thấy đồng chí nào bị phê bình, và những vấn đề đó gây bức xúc trong xã hội nhưng cũng không thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm mà đổ qua đổ lại.

Sắp tới, về mặt tổ chức phải tính toán thật chặt chẽ để khắc phục những hậu quả đó” – đại biểu Phong nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết thêm: "Tôi nghĩ câu chuyện PVC thất thoát thì thiên hạ, báo chí đều biết cả, nêu lên rồi, nhưng không phải câu chuyện đề bạt ông Trịnh Xuân Thanh người dân đều biết đường đi nước bước của họ, chỉ đến khi ngẫu nhiên xuất hiện biển xe thì mọi người mới biết.

Điều này thể hiện thông tin không đến người dân, người dân không được giám sát.

Nhưng nói cho cùng, cuối cùng vẫn người dân, thông qua tiếng nói của phương tiện thông tin đại chúng, thông qua đại biểu Quốc hội. Sự chồng chéo làm hạn chế giám sát của người dân".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại