Từ những xích mích nhỏ trong cuộc sống..
Ở một gia đình nọ, người bố mất sớm, chỉ có 2 mẹ con sống nương tựa vào nhau. Người mẹ tốt tính, nhưng cũng nóng tính, và cô con gái đang ở tuổi dậy thì, thích nổi loạn và khẳng định mình, nên 2 mẹ con, tuy thương yêu nhau, song thường xảy ra xung đột, cãi vã.
Vì nhà không còn người nào khác, nên những lúc như vậy, không có ai can gián, mẹ con họ thường tìm cách tránh mặt nhau, để đến khi nguôi giận rồi mới làm hòa.
Có lúc, cô gái đã nghĩ rằng, tại sao mình lại phải chịu đựng một người mẹ nóng nảy như thế nhỉ. Chẳng phải khi ra ngoài xã hội, cô gái luôn nhận được sự chiều chuộng và những lời nói ngọt ngào từ những người khác hay sao?
Cô gái và người mẹ rất khắc khẩu, thường xuyên tranh cãi với nhau. (Ảnh minh họa: Internet)
Đến quyết định bỏ nhà ra đi
Chính vì thế, một hôm, sau một lần mâu thuẫn với mẹ, cô gái trong cơn nóng giận đã quyết định bỏ nhà ra đi. Cô quyết định sẽ bỏ học, bỏ luôn người mẹ hay rầy la cô, để tự đi kiếm việc và xây dựng một cuộc đời mới. Nghĩ là làm, cô gái không chần chừ, còn không thèm đem theo đồ đạc gì, nhuệ khí đang bừng bừng, cô cho rằng chẳng có việc gì mà mình không thể làm cả.
Cuối cùng, cô gái lang thang cả ngày, thử đi xin việc ở mấy nơi, nhưng chẳng có chỗ nào nhận. Có nơi thì yêu cầu cô gái phải có bằng cấp, có nơi lại yêu cầu kinh nghiệm, còn có nơi thậm chí đã nghi ngờ cô nói dối, vì họ cho rằng hẳn là cô đã làm việc gì đó phạm pháp nên phải che giấu thân phận.
Khi phố đã lên đèn, cái lạnh của một tối mùa đông như cứa vào da thịt cô, cái nhuệ khí bừng bừng của lúc sáng đã bay biến đâu hết. Lúc này cô chỉ cảm thấy đói, mệt, và có chút gì đó hối hận cho hành động bồng bột của mình.
Cô gái đứng bên ngoài một tiệm bánh ngọt. Mùi bánh thơm nức bay ra như trêu ngươi cô, màu sắc tươi rói và ngon mắt như thách thức cô, ánh điện sáng trưng bên trong như mời gọi cô bước vào, mà cô thì không dám, vì trong người cô chẳng còn đồng tiền lẻ nào.
Và bài học đáng suy ngẫm từ ông chủ tiệm bánh tốt bụng
"Mời cháu vào", người đàn ông tuổi trung niên trong tiệm bánh bước ra, cất giọng ấm áp nói với cô.
"Dạ thôi ạ, cháu không... có tiền", cô gái thực thà đáp.
Ông chủ tiệm bánh tốt bụng đã cho cô một miếng bánh ngọt, cùng bài học vô cùng quý giá. (Ảnh minh họa: Internet)
Nghe thấy vậy, người đàn ông cười hiền lành, trả lời cô bằng một câu hỏi khiến cô vừa ngạc nhiên, vừa xúc động: "Chả lẽ ta lại không mời được cháu miếng bánh ngọt hay sao?".
Sau khi bước vào tiệm bánh, cô gái được ông chủ mời ăn một miếng bánh ngọt mà cô cho là ngon nhất từ trước tới nay. Miếng bánh vừa ngọt, vừa thơm, vừa mềm, khiến cô gái ăn say sưa, không chút rụt rè.
Khi cô gái ăn hết miếng bánh, người chủ cửa hàng mang ra một cốc nước mời cô uống, rồi vừa đưa cho cô, vừa gợi chuyện. Cô gái thật thà thú nhận, mình vừa bỏ nhà ra đi sau một trận cãi nhau với mẹ, và đang có ý định đi xin việc để tự kiếm sống.
"Chú có cần người phụ giúp không ạ? Cháu không đòi hỏi lương cao đâu", cô bé nhanh nhảu hỏi ông chủ tiệm bánh.
"Cô bé, ta hoàn toàn có thể cho cháu một công việc như cháu muốn, nhưng trước hết, chú muốn cháu trả lời cho chú vài câu hỏi đã. Thứ nhất, cháu thấy miếng bánh ta làm cho cháu ăn có ngon không?", người đàn ông vui vẻ đưa ra điều kiện.
"Ngon nhất quả đất luôn ạ, cháu chưa từng thấy miếng bánh ngọt nào ngon hơn thế, và chú quả là một người vừa khéo tay lại vừa tốt bụng khi mời cháu chiếc bánh đó ạ", cô gái hồn nhiên trả lời.
"Chú tưởng chiếc bánh mẹ cháu làm mới là chiếc bánh ngon nhất trên đời chứ? Chú tưởng mẹ cháu mới chính là một người vừa khéo tay, vừa tốt bụng khi luôn chuẩn bị cho cháu từ những bữa cơm nóng hổi cho tới những bộ quần áo ấm áp để cháu mặc tới trường chứ?", ông chủ tiệm bánh hỏi lại khiến cô gái không nói nên lời.
Chẳng phải những bữa cơm mẹ nấu mới là những bữa cơm ngon nhất hay sao? (Ảnh minh họa: Internet)
"Cháu đã bao giờ dùng những mỹ từ này để khen mẹ cháu chưa? Hay cháu luôn coi những gì mẹ làm cho mình là điều đương nhiên? Nhìn bộ quần áo cháu mặc thì ta biết mẹ cháu là một người rất chu đáo và thương yêu con, đừng vì những chuyện nhỏ nhặt mà đánh giá thấp bà ấy.
Người lạ chỉ cho cháu một miếng bánh mà cháu đã biết ơn, trong khi mẹ cháu đã dành cả tuổi trẻ cho cháu, cho cháu vô số những điều tốt đẹp trong gần 20 năm qua, thì cháu lại sẵn sàng vứt bỏ để trốn chạy khỏi ngôi nhà ấy ư?", người đàn ông hỏi tiếp.
Thấy cô gái im lặng, người đàn ông đi tới gần hơn, vỗ vai cô bé rồi nói tiếp: "Thời tuổi trẻ, ta cũng đã có lần bỏ đi như cháu, nhưng ta biết gia đình luôn là nơi cuối cùng để mỗi người trong chúng ta trở về, vì thế, ta đã trở về, và nếu có thể, thì đừng bao giờ rời xa nó. Cho chú biết nhà cháu ở đâu, chú sẽ đưa cháu về".
Lời bàn:
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi ta không nhận ra rằng bản thân khi ra ngoài xã hội là những người khéo léo, xã giao bao nhiêu, có thể không tiếc lời khen tặng người khác, thì khi về nhà, lại dùng những lời nói khó nghe nhất cho người thân bấy nhiêu, thậm chí chẳng bao giờ khen ngợi hay bày tỏ lòng biết ơn với họ, dù họ đã hy sinh và cho ta đến thế nào đi chăng nữa.
Hãy dùng thái độ khiêm nhường, vui vẻ và biết ơn để đối đãi với người thân, cuộc sống của bạn sẽ nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn biết bao nhiêu. (Ảnh minh họa: Internet)
Một cái bánh của người lạ cũng khiến ta xúc động và hết lời cảm ơn, nhưng hàng trăm, hàng nghìn bữa cơm nóng hổi của cha mẹ cho ta, hình như chưa bao giờ nhận được một lời cảm ơn đúng nghĩa.
Nếu như tất cả chúng ta, đều dùng thái độ khiêm nhường, vui vẻ và biết ơn mà ta hay dùng để đối đãi với những người lạ để đối đãi lại với những người thân của mình, từ cha mẹ cho tới người đầu gối tay ấp với ta, hay các anh chị em trong nhà, thì hẳn là, trong cuộc sống này, mỗi gia đình sẽ có nhiều hơn những tiếng cười, nhiều hơn những niềm hạnh phúc, và bớt đi những xung đột, xích mích, giận hờn.
Theo Moral Story