Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn gian nan thu thuế thương mại điện tử hiện nay.
Gian nan với thuế thương mại điện tử
Theo vị chuyên gia này, cùng với những tiện ích không thể phủ nhận cho người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc kiểm soát, chống thất thu ngân sách nhà nước từ hoạt động này là vấn đề nan giải với các cơ quan chức năng.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, khi thương mại điện tử được đánh giá là “ăn nên, làm ra” thì việc thu thuế từ hoạt động này vẫn bộc lộ nhiều bất cập, số tiền thu thuế được khá khiêm tốn. Theo thống kê, trong các năm qua, ngành thuế đã thu thuế từ thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook nộp 1.694 tỷ đồng, Google nộp 1.618 tỷ đồng, Microsoft nộp 576 tỷ đồng. Năm 2021, số thu thuế từ dịch vụ xuyên biên giới đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020. Tuy nhiên, con số này được đánh giá là rất nhỏ so với doanh thu thực tế.
Nguyên nhân thất thu thuế theo luật sư Hiệp nhận định là do hành lang pháp lý về quản lý hoạt động thương mại điện tử chưa hoàn thiện; việc quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế, quản lý các nguồn thu, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế hay việc kiểm soát dòng tiền thanh toán… vẫn là bài toán khó.
Mặt khác, đối tượng nộp thuế thường tìm mọi cách lách luật để “né” thuế như: Không đăng ký kinh doanh; không kê khai doanh thu với cơ quan quản lý nhà nước; không công khai hoặc công khai không chính xác tài khoản giao dịch và thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn.
“Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới nhưng không có văn phòng đại diện, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua các ứng dụng số trên mạng internet và chuyển hàng qua chuyển phát nhanh nên các cơ quan chức năng không thu được thuế” – Giám đốc Công ty Luật HPVN nói.
Việc thu thuế người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử chỉ là chuyện sớm muộn và tùy thuộc vào sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh minh họa
Còn loay hoay đến bao giờ?
Từ năm ngoái, Bộ Tài chính đã soạn thảo và lấy ý kiến về việc quản lý thuế với hộ cá nhân, kinh doanh, bao gồm việc thu thuế người kinh doanh trên sàn TMĐT; đưa ra phương án tất cả sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người bán để tránh thất thu thuế. Tuy nhiên, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp, chuyên gia.
Tiếp thu các ý kiến phản biện, Bộ Tài chính đề xuất chia các sàn thương mại điện tử thành 2 loại, sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến và không có chức năng đặt hàng. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…) phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn.
Theo Bộ Tài chính, quy định này là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế. Theo đó, thay vì hàng trăm ngàn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế, chỉ cần một đầu mối là sàn thương mại điện tử khai, nộp thuế thay, cắt giảm được thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và người nộp thuế.
Xung quanh vấn đề này, luật sư Trần Hồng Tình – Trưởng đại diện Văn phòng luật Nguyễn Thanh Bình cho chia sẻ, việc thu thuế người kinh doanh qua sàn thương mại điện tử đã được đề cập từ cách đây 5 năm, khi hình thức kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử bùng nổ ở Việt Nam, nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo công bằng trong kinh doanh.
Thế nhưng, cho đến nay dù bàn tới bàn lui, việc thu thuế người kinh doanh qua sàn thương mại điện tử dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Thậm chí, người kinh doanh online còn chỉ nhau những chiêu thức nhằm trốn thuế nếu bị cơ quan thuế gọi tên. Năm ngoái, khi Bộ Tài chính đưa ra phương án tất cả sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người bán, đa số các sàn phản đối, cho rằng như vậy sẽ làm gia tăng chi phí, trong khi họ đang lỗ.
“Nhưng nếu chờ các sàn hết lỗ mới triển khai biết đến khi nào, trong khi người kinh doanh qua sàn tiếp tục được hưởng lợi khi không phải đóng thuế”, luật sư Trần Hồng Tình nói.
Trong khi nhiều sàn phản đối, không ít ý kiến lại đồng tình với phương án này của Bộ Tài chính, cho rằng các sàn nắm rất rõ thông tin người bán và các giao dịch được thực hiện trên sàn của mình, từ đó biết được doanh thu chính xác của người bán hàng, nên việc kê khai thay cũng không quá sức, đồng thời người bán cũng không thể trốn thuế. Hơn nữa, hiện phần lớn sàn thương mại điện tử đều là các doanh nghiệp mạnh về công nghệ, nên việc gia tăng chi phí cũng không quá lớn.
“Nếu không có phương án quyết liệt ngành thuế lại tiếp tục thất thu thêm vài năm nữa”, luật sư Tình thẳng thắn nói.
Đáng chú ý, trong khi ngành thuế vẫn loay hoay với bài toán chống thất thu và tạo công bằng kinh doanh, thị trường thương mại điện tử đang duy trì tốc độ tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, năm 2015 TMĐT bán lẻ (B2C) chỉ đạt 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước, đến năm 2018 con số này đã đạt 8,06 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2017).
Sang năm 2019, TMĐT chính thức vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 11,8 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD vào năm 2021. Năm nay, dự báo quy mô thị trường B2C đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước... Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh, dự báo đạt 260-285USD/người trong năm nay. Người mua càng nhiều, ngành thuế thất thu càng lớn.
“Cũng biết việc quản lý thuế với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số vốn không dễ dàng. Thế nhưng đến nay Việt Nam đã có thể thu thuế của các ông lớn như Facebook, Google, thì việc thu thuế người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử chỉ là chuyện sớm muộn và tùy thuộc vào sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước”, luật sư Trần Hồng Tình chia sẻ.