Bỏ ngay 8 quan niệm sai lầm thường gặp sau nếu không muốn mất ngủ triền miên

Hoài Thảo |

Mất ngủ lâu ngày có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, đau tim, đột quỵ….

Việc khao khát có được một giấc ngủ ngon khiến chúng ta dễ tin theo và áp dụng bất cứ phương pháp nào được mách bảo. Tuy nhiên, để tránh làm tình trạng mất ngủ trở nên tồi tệ hơn, hãy chắc chắn rằng bạn không mắc phải những quan niệm sai lầm sau đây.

1. Thức uống có cồn sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn

Sự thật là, mặc dù rượu bia khiến chúng ta có cảm giác buồn ngủ thật. Tuy nhiên, 2 thứ này được ví như con dao 2 lưỡi, đây cũng là nguyên nhân khiến giấc ngủ của bạn bị gián đoạn bởi cảm giác bồn chồn thao thức và có thể làm bạn tỉnh giấc sớm hơn thường lệ.

2. Mất ngủ hoàn toàn là vấn đề về tâm thần

Sự thật là, chứng mất ngủ có thể do vấn đề về tâm lý gây ra và trong đó, chúng ta đều biết stress chính là nguyên nhân số một. Tuy nhiên, đây không phải là căn nguyên duy nhất của vấn đề này.

Nhiều yếu tố khác có thể gây ra chứng mất ngủ như: những thói quen không tốt trong việc ngủ nghỉ, bệnh tật, tác dụng phụ của thuốc, những cơn đau mạn tính, hội chứng chân không yên (là hiện tượng hai chân luôn trong trạng thái muốn vận động do rối loạn của hệ thống thần kinh), hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ…

3. Dùng máy tính hoặc xem tivi trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn

Sự thật là, nhiều người tin rằng việc xem tivi hay dùng máy vi tính sẽ khiến bạn có cảm giác buồn ngủ. Tuy nhiên, bạn có biết, việc ngồi trước màn hình, tiếp xúc với âm thanh và ánh sáng từ thiết bị chỉ làm bạn tỉnh táo hơn do chúng khiến mức melatonin ở não bộ giảm xuống (melatonin là hormon có vai trò quan trọng trong việc điểu khiển giấc ngủ).

Thay vào đó, sao không thử nghe một bản nhạc nhẹ nhàng? Có thể bạn sẽ cảm thấy tĩnh tâm và có một giấc ngủ ngon hơn.

Bỏ ngay 8 quan niệm sai lầm thường gặp sau nếu không muốn mất ngủ triền miên - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

4. Thuốc ngủ là vô hại với cơ thể

Sự thật là, chúng ta phải công nhận rằng các loại thuốc ngủ ngày nay an toàn và hiệu quả hơn so với các loại thuốc ngủ thế hệ cũ. Tuy nhiên, bạn nên nhớ một điều, bất cứ loại thuốc ngủ nào cũng có mặt trái của nó, một trong số đó là tình trạng lệ thuộc thuốc.

Do đó, trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc ngủ nào, đừng quên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bởi, chúng chỉ có thể giúp làm giảm các triệu chứng, còn nguyên nhân thì không. Thay vào đó, hãy tìm hiểu và giải quyết triệt để căn nguyên đằng sau chứng mất ngủ của bạn. Đó mới chính là phương thuốc hiệu nghiệm nhất!

5. Bạn có thể ngủ bù lại nếu bị mất ngủ trước đó

Sự thật là, điều này hoàn toàn bất khả thi. Dành trọn cả ngày để ngủ bù không những không giúp cải thiện tình trạng mất ngủ mà còn có thể phá vỡ đồng hồ sinh học của bạn. Hậu quả là, bạn sẽ thấy khó khăn hơn để đi vào những giấc ngủ kế tiếp. Cách duy nhất để để có thể bù đắp đó là hãy cố gắng duy trì thời gian ngủ một cách đều đặn.

6. Một giấc ngủ ngắn có thể giúp cải thiện tình trạng mất ngủ

Sự thật là, hiệu quả của giấc ngủ ngắn thay đổi theo từng đối tượng. Đối với một số người, 10 đến 20 phút chợp mắt vào buổi trưa có thể giúp cơ thể lấy lại năng lượng và khiến tinh thần sảng khoái hơn.

Tuy nhiên, ở người bị mất ngủ, một giấc ngủ ngắn vào buổi chiều muộn có thể ảnh hưởng đến khả năng khởi phát giấc ngủ của não bộ, khiến bạn khó ngủ hơn vào buổi tối.

Bỏ ngay 8 quan niệm sai lầm thường gặp sau nếu không muốn mất ngủ triền miên - Ảnh 2.

Một giấc ngủ ngắn vào buổi chiều muộn có thể khiến bạn khó ngủ hơn vào buổi tối

7. Bạn nên học cách giảm nhu cầu ngủ lại

Sự thật là, tất cả mọi người đều có nhu cầu ngủ đủ giấc, đối với người lớn thường là 7-8 tiếng mỗi ngày. Bạn có thể giải quyết chứng mất ngủ bằng cách tập ngủ ít hơn, tuy nhiên không thể khiến nhu cầu ngủ nghỉ của cơ thể giảm đi được.

Mất ngủ khiến chúng ta thật khó có thể tập trung vào bất cứ việc gì. Thiếu ngủ cộng với mệt mỏi kéo dài sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như chất lượng công việc giảm sút, dễ gặp tai nạn khi đi xe và làm sức khỏe suy yếu.

8. Những rối loạn về giấc ngủ sẽ tự biến mất

Sự thật là, cho đến khi tìm ra được nguyên nhân khiến bạn mất ngủ - do stress, thuốc, bệnh tật hay do những vấn đề khác- đừng mong nó sẽ tự biến mất.

Nếu thấy khó khăn trong việc bắt đầu hoặc duy trì giấc ngủ hay nếu cảm thấy cơ thể luôn mệt mỏi sau giấc ngủ về đêm, có thể bạn đã bị rối loạn giấc ngủ rồi đấy. Hãy gặp bác sĩ để có những lời khuyên đúng đắn và tìm ra cách điều trị phù hợp nhất cho bản thân.

3 lời khuyên sau đây của các chuyên gia giúp bạn đánh bay chứng mất ngủ

1. Nếu không ngủ được, hãy ra khỏi giường

Mất ngủ thì sao, liệu cứ nằm trằn trọc mãi ư? Sao không ngồi dậy đọc gì đó giải trí hay nghe nhạc thư giãn, những việc làm này có thể giúp bạn thấy khoan khoái và dễ ngủ hơn.

Cứ nằm trên giường mãi sẽ không giúp được gì ngoài việc khiến bạn thêm bực dọc và trằn trọc suốt đêm mà thôi. Nếu tình trạng này cứ lặp đi lặp lại, dần dà, như một phản xạ có điều kiện, giường ngủ sẽ biến thành nỗi ám ảnh về đêm chứ không còn là nơi để để bạn nghỉ ngơi nữa.

Bỏ ngay 8 quan niệm sai lầm thường gặp sau nếu không muốn mất ngủ triền miên - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

2. Bạn có thể luyện tập thói quen để có một giấc ngủ tốt

Bạn có thể tạo một số thói quen giúp việc đi vào giấc ngủ và có một giấc ngủ ngon trở nên dễ dàng hơn. Chìa khóa thành công là, hãy kiên trì tới cùng. Những thói quen có thể là đọc sách khoảng một tiếng đồng hồ hay tắm nước nóng trước khi ngủ, bên cạnh đó thiền cũng có thể giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.

3. Tập thể dục sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ

Luyện tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, nên tránh các bải tập thể lực nặng và tập quá sát giờ đi ngủ bởi lúc đó, sự tỉnh táo và hưng phấn khiến bạn không thể đi vào giấc ngủ ngay lập tức.

Hãy thử và xem phương pháp nào đem lại hiệu quả tốt nhất cho bạn đồng thời biến nó thành thói quen đều dặn trước khi ngủ, kết quả sẽ làm bạn ngạc nhiên.

6 thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh mất ngủ

*Theo Webmd

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại