'Bộ não' của siêu tên lửa 20 tỷ đô mạnh nhất lịch sử: Nếu có 1 sai sót sẽ đốt 1 tỷ đô!

Trang Ly |

NASA cho biết, họ đã khắc phục xong lỗi kỹ thuật của 'bộ não' này.

Các kỹ sư của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã khắc phục xong trục trặc kỹ thuật của "bộ não" siêu tên lửa SLS - hệ thống sẽ đưa 2 phi hành gia (1 nam, 1 nữ) tái đổ bộ Mặt Trăng thế kỷ 21 [Trước đó, vào thế kỷ 20, Mỹ là quốc gia duy nhất đưa người đổ bộ Mặt Trăng qua Chương trình Apollo].

Hệ thống Phóng vào Không gian (SLS) trị giá 20 tỷ USD đã được NASA phát triển từ năm 2011 và đã gặp phải nhiều sự cố và chậm trễ trong thập kỷ qua.

Lần phóng thử đầu tiên của SLS đã bị hoãn từ cuối năm 2021 cho đến không sớm hơn tháng 3/2022 do gặp phải sự cố với bộ điều khiển động cơ trên tàu. Bộ điều khiển này hoạt động như "bộ não" của mỗi động cơ 'khủng' RS-25 đưa tên lửa vào quỹ đạo.

Cơ quan vũ trụ Mỹ hiện đã thay thế các bộ phận và cả 4 bộ điều khiển động cơ đều hoạt động tốt trong các cuộc thử nghiệm, mở đường cho lần phóng đầu tiên của nó trong năm 2022.

Bộ não của siêu tên lửa 20 tỷ đô mạnh nhất lịch sử: Nếu có 1 sai sót sẽ đốt 1 tỷ đô! - Ảnh 1.

Siêu tên lửa đẩy SLS của NASA có tổng chiều cao là 98 mét. Ảnh: NASA

Bộ não của siêu tên lửa 20 tỷ đô mạnh nhất lịch sử: Nếu có 1 sai sót sẽ đốt 1 tỷ đô! - Ảnh 2.

Hệ thống Phóng vào Không gian (SLS) trị giá 20 tỷ đô la đã được phát triển từ năm 2011 và đã gặp phải nhiều sự cố và chậm trễ trong thập kỷ qua. Ảnh: AP

Khi NASA chuẩn bị ra mắt SLS vào năm 2021, các kỹ sư nhận thấy một số thiết bị điện tử trên mô-đun bộ điều khiển không thể bật nguồn một cách nhất quán trong quá trình thử nghiệm.

1 TỶ USD CHO 1 LẦN PHÓNG

Với ước tính khoảng 1 tỷ USD cho mỗi lần phóng SLS, cơ quan vũ trụ Mỹ muốn đảm bảo mọi vấn đề hoặc lỗi (đặc biệt là liên quan đến 'bộ não' của SLS) đều được xử lý trước khi tên lửa rời khỏi Trái Đất. Vì vậy, việc ra mắt đã bị trì hoãn để cho phép các kỹ sư sửa chữa và thử nghiệm nhiều hơn - Điều tra viên về nguyên nhân của 'trục trặc' trong bộ điều khiển thuộc NASA cho hay.

Sau khi được thay thế, NASA hiện đã xác nhận rằng tất cả các bộ điều khiển đang hoạt động như mong đợi và SLS đã sẵn sàng để phóng. Tên lửa SLS có một số phần cứng lớn nhất, tiên tiến nhất và đáng tin cậy nhất từng được chế tạo để khám phá không gian.

Tên lửa đẩy rắn 5 đoạn (SLS) là loại tên lửa đẩy mạnh nhất và lớn nhất từng được chế tạo cho tàu bay vũ trụ, và đang được đặt trong Tòa nhà lắp ráp phương tiện tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida (Mỹ), và với mô-đun Orion ở trên. Tổng chiều cao của SLS là 98 mét.

Khi phóng, tên lửa sẽ tạo ra lực đẩy 8,8 triệu pound, lớn hơn nhiều so với tên lửa Saturn V đã đưa các phi hành gia Apollo lên Mặt Trăng vào những năm 1960, 1970. Saturn V của NASA trước đó cũng lập kỷ lục là tên lửa đẩy mạnh nhất lịch sử.

Lần phóng đầu tiên của SLS được NASA đặt tên là Artemis I: Khi đó, ​​siêu tên lửa sẽ đẩy một mô-đun Orion rỗng vào không gian trong một cuộc hành trình lên Mặt Trăng và (Orion) quay trở lại.

Từ năm 2021, Chương trình Artemis phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả việc phát triển các bộ vũ trụ và hệ thống tàu đổ bộ của con người sẽ đưa phi hành đoàn lên bề mặt Mặt Trăng.

Tuy nhiên, nhiều sự chậm trễ là do các vấn đề của bản thân SLS và các vấn đề pháp lý - do Công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos đã kiện NASA không trao hợp đồng chế tạo hệ thống tàu đổ bộ Con người cho Blue Origin, thay vào đó, lại trao cho Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk.

Vào tháng 11/2022, NASA đã gia hạn mục tiêu đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng sớm nhất là từ năm 2024 đến năm 2025.

Bộ não của siêu tên lửa 20 tỷ đô mạnh nhất lịch sử: Nếu có 1 sai sót sẽ đốt 1 tỷ đô! - Ảnh 3.

Dự kiến, ngay sau sứ mệnh Artemis I vào tháng 3/2022, NASA sẽ kiểm tra xem siêu tên lửa SLS và mô-đun Orion đã thực hiện như thế nào. Nếu mọi việc tốt đẹp, NASA sẽ cử một phi hành đoàn đi du ngoạn quanh Mặt Trăng.

Người đứng đầu NASA Bill Nelson cho biết, NASA hiện đang nhắm mục tiêu vào tháng 5/2024 cho chuyến bay thử nghiệm có người lái của Orion và SLS trong khuôn khổ sứ mệnh Artemis II. Nếu vậy, chuyến đổ bộ Mặt Trăng của người Mỹ có thể sẽ diễn ra vào năm 2025.

Ông Bill Nelson nói rằng 7 tháng vướng vào kiện tụng với Blue Origin, đại dịch Covid-19 và sự gia tăng chi phí bất ngờ, đẩy SLS lên gần 20 tỷ đô la, là tất cả nguyên nhân khiến kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng của NASA phải lùi lại 1 năm. [Trước đó, NASA dự kiến vào năm 2024 sẽ đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng].

Thời hạn năm 2024 lần đầu tiên được Phó Tổng thống khi đó là Mike Pence công bố trong cuộc họp năm 2019 của hội đồng không gian của Nhà Trắng và được cho là một nỗ lực của Tổng thống Donald Trump khi đó nhằm nhìn thấy con người trên Mặt Trăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

SỨ MỆNH TIỀN ĐỀ

Trước khi điều đó có thể xảy ra, NASA phải tự mình đưa tàu vũ trụ đi vòng quanh Mặt Trăng. NASA cho biết chi tiết các sứ mệnh tiền đề trước khi đưa người lên Mặt Trăng, bao gồm:

Sứ mệnh Artemis I sẽ chứng kiến ​​tàu vũ trụ Orion, SLS và hệ thống mặt đất tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida kết hợp để phóng Orion thực hiện hành trình dài 450.616 km từ Trái đất quanh Mặt Trăng trong suốt nhiệm vụ kéo dài ba tuần của nó.

Bộ não của siêu tên lửa 20 tỷ đô mạnh nhất lịch sử: Nếu có 1 sai sót sẽ đốt 1 tỷ đô! - Ảnh 4.

NASA đã cho biết trước đây, tàu vũ trụ Orion này, chủ yếu do Lockheed Martin chế tạo, sẽ ở trong không gian lâu hơn bất kỳ con tàu nào dành cho phi hành gia mà không cần cập bến trạm vũ trụ và trở về nhà nhanh hơn bao giờ hết.

Sứ mệnh Artemis II có kế hoạch đưa 4 phi hành gia ở trong mô-đun Orion bay quanh Mặt Trăng trong thời gian tối đa là 21 ngày.

Cả hai sứ mệnh Artemis I và Artemis II đều là các chuyến bay thử nghiệm để chứng minh công nghệ và khả năng của Orion, SLS và sứ mệnh Artemis chính trước khi NASA đưa con người trở lại Mặt Trăng.

Artemis sẽ là sứ mệnh đầu tiên đưa con người lên Mặt Trăng của thế kỷ 21 kể từ lần lên Mặt Trăng cuối cùng của Mỹ hồi thế kỷ 19 của phi hành đoàn Apollo 17 năm 1972.

Với Artemis, NASA sẽ hạ cánh người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng và thiết lập hoạt động thám hiểm dài hạn tại Mặt Trăng để chuẩn bị cho các sứ mệnh của con người lên sao Hỏa. SLS và tàu vũ trụ Orion của NASA, cùng với hệ thống hạ cánh của con người và Cổng vào quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng, là nền tảng của NASA để khám phá không gian sâu.

Nguồn: NASA, DM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại