Bố muốn tôi hiến gan cho con riêng của ông ấy

Mạn Ngọc |

Vì đây là chuyện nhân đạo nên tôi đã gật đầu đồng ý, nhưng cứu được mạng người thì gia đình tôi cũng tan đàn xẻ nghé.

Tôi vẫn nghĩ rằng chuyện nuôi “phòng nhì” hay có con riêng toàn là những chuyện trên báo chí, trên phim ảnh mà thôi. Hoặc giả nếu nó có thật thì cũng chỉ xuất hiện ở những gia đình tài phiệt, nhiều tiền, giàu có… Chẳng bao giờ tôi có thể ngờ nó lại xuất hiện trong chính gia đình tôi, một gia đình trung lưu gần như chẳng có tài sản gì cho cam.

Về tài chính, quả thật nhà tôi không đến nỗi phải lo ăn từng bữa, lo mặc từng ngày. Thế nhưng cũng không phải gia đình quá thừa mứa. Mọi thứ của chúng tôi đều ở mức bình thường, không quá nhiều cũng chẳng quá ít.

Bố mẹ tôi đều là công nhân viên chức bình thường. Bù lại, bố mẹ tôi khá hòa thuận, ít khi tôi phải chứng kiến cảnh cơm không lành canh chẳng ngọt của họ. Bởi vậy mà tôi luôn nghĩ tôi có một gia đình hạnh phúc.

Bố tôi ít nói nhưng lại luôn quan tâm chăm sóc vợ con. Tuy vậy, do đặc thù công việc, bố thường xuyên phải công tác xa nhà, thời gian ở cạnh mẹ con tôi cũng rất ít ỏi. Mẹ thì chẳng bao giờ lo lắng hay nghi ngờ gì bố mẹ. Mẹ tin tưởng bố tuyệt đối và nếu có ai đàm tiếu đến tai bà, bà đều gạt đi, thậm chí mắng mỏ những người đã đưa chuyện linh tinh.

Gia đình chúng tôi cứ vậy mà sống, tôi những tưởng so với bạn bè trang lứa, mình tuy không quá giàu có nhưng bù lại chúng tôi có một cuộc sống thoải mái, chẳng phải đắn đo điều gì. Mãi cho đến khi chuyện bố giấu kín suốt 15 năm trời cuối cùng cũng bại lộ.

Cách đây vài tháng, sau khi khám sức khỏe định kỳ ở cơ quan nơi mình làm việc tôi liền đưa bố mẹ đi khám tổng quát. Tôi lúc ấy chỉ nghĩ đơn thuần rằng bố mẹ mình cũng đã hơn 50 tuổi rồi, tuy rằng hai ông bà rất khoẻ mạnh nhưng việc khám sức khỏe thường xuyên vẫn là điều cần thiết.

Bố muốn tôi hiến gan cho con riêng của ông ấy - Ảnh 1.

Mẹ tôi không có gì đáng lo ngại. Nhưng chức năng gan của bố tôi không được tốt lắm, tuy nhiên tôi cũng thở phào nhẹ nhõm vì nó không có gì đáng lo ngại. Chỉ cần bố có chế độ tập luyện và ăn uống khoa học là có thể hồi phục được.

Thế nhưng khi nhận được kết quả đó, bố tôi tái mặt. Ông cuống quýt hỏi bác sĩ cụ thể về tình trạng gan của mình. Thậm chí, ông còn hỏi đi hỏi lại về việc suy giảm chức năng gan thì có thể hiến gan được không. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng ông đang khoẻ mạnh bỗng nhiên xuất hiện bệnh tình khiến ông không thoải mái lắm mà thôi.

Tuần sau đó, trong lúc đang làm việc, bỗng nhiên bố gọi điện chỉ để hỏi tôi nhóm máu nào, sau đó liền dặn tôi làm việc và cúp máy. Tôi cùng nhóm máu với bố chứ không phải với mẹ.

Tôi quên hoàn toàn câu chuyện giữa bệnh gan của bố và nhóm máu của mình cho đến tối hôm ấy. Bố gọi tôi và mẹ vào để họp gia đình. Thế nhưng cuộc họp đó lại là về một người không thuộc gia đình của tôi.

Bố nhận với mẹ rằng bố có một đứa con riêng, là con trai. Đứa bé này bây giờ đã 15 tuổi, vậy là ít nhất bố đã lừa dối mẹ trong hơn 15 năm trời. Vậy mà bà vẫn luôn tin tưởng ông, luôn bênh vực ông trước mọi lời lẽ của thiên hạ…

Mẹ tôi im lặng, có lẽ bà đã sốc đến mức không thể bộc lộ ra bất kỳ cảm xúc nào.

Nhưng liền sau đó, ông ấy đã đưa ra một lời đề nghị khiến tôi không thể tin nổi vào tai mình.

Con trai ngoài giá thú của ông mắc bệnh gan, cần phải tiến hành phẫu thuật ghép gan. Đáng lẽ ông là người hiến gan cho đứa trẻ đó nhưng giờ thì không thể nữa rồi. Người duy nhất có thể sẽ hợp với đứa bé đó chỉ có thể là tôi…

Vậy ra đây chính là lý do ông gọi điện cho tôi để hỏi nhóm máu vào ngày hôm đó.

Tôi đã từ chối. Tôi là con người, có trái tim, có cảm xúc, tôi không thể từ bi đến mức có thể vui vẻ chấp nhận đề nghị của ông ấy.

Thế nhưng mẹ tôi là một bác sĩ. Bà ấy hiểu việc mất đi một mẩu gan với người khoẻ mạnh thì chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian để hồi phục, nhưng với một bệnh nhân thì đây có thể là cơ hội duy nhất để họ sống sót.

- Con hãy quên chuyện đứa trẻ đó là ai. Nếu như có thể cứu người thì con hãy suy nghĩ. Mẹ không bắt con phải làm gì, mọi chuyện là quyết định của con.

Cuối cùng, tôi gật đầu đồng ý.

Thật ra nếu mẹ không nói vậy thì khi bình tĩnh lại tôi vẫn sẽ đồng ý. Dù sao cũng là chuyện cứu người.

Từ đầu đến cuối chuyện kinh hoàng mà bố đã làm ra chưa khiến mẹ rơi một giọt nước mắt. Thế nhưng khi nhìn thấy tôi tỉnh dậy sau phẫu thuật, mẹ đã khóc đến lạc giọng và liên tục nói xin lỗi tôi. Lần này, tôi lại phải là người an ủi mẹ rằng cứu người là việc phải làm.

Đến khi xuất viện tôi mới biết mẹ đã yêu cầu bố không đến gặp tôi, cho đến khi tôi muốn gặp lại ông. Mẹ cũng đã quyết định đường ai nấy đi với bố. Vì đây là chuyện nhân đạo nên tôi đã gật đầu đồng ý, nhưng cứu được mạng người thì gia đình tôi cũng tan đàn xẻ nghé…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại