Chết vì bệnh thông thường
Theo Ông Hoàng Văn Thành – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh câu chuyện mới đây xảy ra ở miền Nam, bố của một quan chức đã tử vong sau khi mổ ruột thừa do nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc tại bệnh viện, không có cách nào chữa được là hồi chuông cảnh báo về các loại siêu vi khuẩn đa kháng thuốc.
TS Thành cho biết với mổ ruột thừa không thể gây chết người nhưng bệnh nhân này đã mắc phải vi khuẩn do nhiễm khuẩn từ bệnh viện.
Đây không phải là vấn đề đơn giản mà vi khuẩn kháng đa thuốc đang ngày càng xuất hiện và chỉ còn cách duy nhất là làm tốt công tác chống nhiễm khuẩn để hạn chế lại.
PGS Nguyễn Việt Hùng – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay vi khuẩn kháng thuốc gram (-) chiếm 40 %, còn trực khuẩn mủ xanh có trong nước ở các bệnh viện chiếm 20%, vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%... thậm chí có vi khuẩn đã được xác định kháng tất cả các loại kháng sinh và khi bị vi khuẩn này nhiễm thì nguy cơ tử vong rất cao.
Tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai nơi có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao nhất. 8% bệnh nhân nằm điều trị ở khoa có nguy cơ nhiễm khuẩn siêu vi khuẩn đa kháng trong đó có 40% bệnh nhân tử vong.
Với những con số này, các bác sĩ cảnh báo tình trạng vi khuẩn đa kháng trong môi trường bệnh viện. Cùng với đó, người bệnh không may mắc vi khuẩn kháng thuốc ở bệnh viện thì nguy cơ điều trị được càng khó hơn.
Tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có không ít bệnh nhân vào viện với một bệnh khác và họ đã bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Trường hợp của bệnh nhi N. V.T 10 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội bị tai nạn và được phẫu thuật ở một bệnh viện khác.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, cháu bé bị nhiễm vi khuẩn đa kháng và gây nhiễm trùng huyết phải thở máy, điều trị tốn kém hàng trăm triệu đồng.
Ám ảnh lây chéo
Tại Việt Nam, nghiên cứu trên gần 10.000 bệnh nhân của 10 bệnh viện, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8% và viêm phổi bệnh viện chiếm tới 55,4%.
Một nghiên cứu gần đây ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho thấy, nhiễm khuẩn bệnh viện làm kéo dài thời gian điều trị là 15 ngày với viện phí phát sinh ước tính là khoảng 2,9 triệu đồng/ca. Đây là con số không nhỏ đối với một nước có mức thu nhập GDP/người còn thấp như ở Việt Nam.
Câu chuyện đau xót của vụ việc hơn 100 trẻ em tử vong do dịch sởi vào năm 2014 là một bài học cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém khiến bệnh nhi bị lây chéo bệnh để lại nỗi ám ảnh cho không ít gia đình.
Nhiễm khuẩn bệnh viện cần được quan tâm
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rửa tay là biện pháp hiệu quả và ít tổn hại kinh tế nhất đề phòng bệnh. Đội ngũ thầy thuốc cần vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
Bên cạnh đó, kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi... cần được các nhân viên y tế Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt khi thực hiện các thủ thuật xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương như tại vùng da bệnh nhân dự kiến phẫu thuật.
PGS Hùng cho biết bình thường trên 1cm2 da của mỗi người chứa hàng triệu con vi khuẩn và nó sống ký sinh ở da và sống chung với mọi người nhưng khi gặp một vết xước nhỏ con vi khuẩn đó cũng có thể xâm nhập vào máu.
Nếu gặp con vi khuẩn thường không sao gặp vi khuẩn kháng thuốc gây nhiễm trùng huyết thì nó lại không còn chỉ dừng lại ở vi khuẩn thường nữa.