Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng ở khu vực biên giới phía Tây với "đối thủ truyền kiế"p Pakistan, chương trình hiện đại hóa quân đội của Ấn Độ lại vừa nhận thêm liên tiếp mấy cú đánh cực mạnh, nhiều hợp đồng vũ khí bị trì hoãn do thiếu ngân sách.
Không những thế, Ấn Độ còn rơi vào tình cảnh "họa vô đơn chí" khi các nguồn tin quốc phòng xác nhận rằng hầu hết các hợp đồng mua sắm vũ khí sẽ không được thực hiện đúng hẹn do quá trình sản xuất bị ngừng trệ bởi nhiều quốc gia phải phong tỏa vì đại dịch Covid-19 bùng nổ.
Kế hoạch thanh toán cho hợp đồng mua máy bay tiêm kích Rafale từ Pháp vốn buộc phải hoàn thành trước tháng 7 năm nay, tuy nhiên đã phải đình lại, các nguồn tin quốc phòng cho biết.
Trước đó, sau nhiều năm đàm phán dai dẳng, năm 2016 Ấn Độ đã ký một hợp đồng trị giá tới 8,7 tỷ USD với Pháp để mua 36 tiêm kích Rafale với điều kiện trọn gói suốt vòng đời.
Tiêm kích Rafale do Pháp chế tạo. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, tình trạng đại dịch bùng phát khiến Ấn Độ phải ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế, cấm bay dân dụng và giữ khoảng cách xã hội, đã tác động mạnh tới kế hoạch huấn luyện chuyển loại của phi công Không quân Ấn Độ .
Lệnh phòng tỏa dường như cũng ảnh hưởng tới mọi yêu cầu thiết yếu, bao gồm cả việc vận chuyển các thiết bị hậu cần kỹ thuật tới các căn cứ sân bay quân sự nằm gần biên giới với Pakistan mà theo kế hoạch sẽ phải được bàn giao cho Ấn Độ trước cuối tháng 9 năm nay.
Hôm thứ Bảy vừa qua, Chính phủ Pháp đã tuyên bố họ muốn kéo dài tình trạng y tế khẩn cấp, và lệnh cách ly xã hội sẽ được thực thi còn dài để đối phó với sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 trên khắp quốc gia này.
Bên cạnh lô 4 chiếc tiêm kích Rafale đầu tiên đã tới tay Ấn Độ, việc chuyển giao 14 chiếc còn lại theo kế hoạch phải hoàn tất trước tháng 2/2021.
Trực thăng đa dụng, pháo xe kéo, hệ thống phòng không cũng "dính chưởng"
Bên cạnh tiêm kích Rafale, Quân đội Ấn Độ cũng đang hứng chịu hậu quả nặng nề khi hàng loạt vũ khí tối cần thiết như trực thăng tấn công AH-64 Apache, trực thăng vận tải đa dụng Chinook 47F (I), pháo xe kéo M-777 vốn phải sớm được triển khai để bảo vệ biên giới với Trung Quốc cũng bị chệch tiến độ.
Trong năm nay, theo kế hoạch, sẽ phải có ít nhất 5 trực thăng tấn công Apache được đưa vào sử dụng và chúng được bố trí ở dọc biên giới phía Tây, nơi căng thẳng đang ngày một gia tăng.
Pháo xe kéo hạng nhẹ M-777 cũng bị trì hoãn do phong tỏa và hiện chưa biết đến bao giờ các lô còn lại mới được bàn giao. Ấn Độ đã đặt mua 145 khẩu pháo loại này từ Mỹ theo hợp đồng trị giá 750 triệu USD ký tháng 11/2016.
Công việc sản xuất 50 khẩu pháo tự hành K-9 155mm cảa Hàn Quốc trên khung gầm xe thiết giáp bánh xích cùng chung số phận, bị đình lại do đại dịch bùng nổ.
"Các hợp đồng đã ký có thể hủy bỏ, nhưng những hợp đồng mới sẽ phải qua các nhà sản xuất nội địa... Việc bàn giao của các hợp đồng vũ khí đã ký có thể phải tiếp tục trì hoãn lâu hơn", nguồn tin quốc phòng Ấn Độ xác nhận.
Trực thăng tấn công AH-64 Apache của Ấn Độ bị sự cố.
Trong lúc này thì tình hình tại biên giới lại hết sức căng thẳng khi Ấn Độ và Pakistan liên tục đấu pháo dữ dội ở Kashmir bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại các khu vực tranh chấp lãnh thổ do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra trong nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19.
Quân đội Ấn Độ cáo buộc Pakistan đã tấn công các mục tiêu dân dự bằng pháo hạng nặng ở Kashmir; Islamabad thì phủ nhận và phản công bằng cách cáo buộc New Delhi đã vi phạm lệnh ngừng bắn tới hơn 300 lần, chỉ tính riêng trong tháng 4 vừa qua.
Thà hoãn mua vũ khí còn hơn
Amit Cowshish, cố vấn tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chia sẻ rằng việc trì hoãn bàn giao vũ khí là một lỗ hổng lớn trong kế hoạch tăng cường năng lực quốc phòng .
Ông phân tích: "Theo quan điểm của tôi đây không phải là một sự thụt lùi nghiêm trọng bởi các hợp đồng chưa bị hủy bỏ. Ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn là ứng phó với đại dịch, thậm chí có thể khiến phải điều chỉnh các chương trình hiện đại hóa quân đội trong ngắn hạn".
Đồng thời, việc trì hoãn bàn giao các vũ khí trang bị sẽ giúp chính phủ có thêm nguồn lực để đối phó với đại dịch do giảm gánh nặng ngân sách quốc phòng tới 20-30% so với mức dự chi 62,4 tỷ USD năm nay.
"Việc trì hoãn bàn giao sẽ giúp tiết kiệm tiền, kéo dài thanh toán trong năm nay cho phép chính phủ phân bổ nguồn tài chính vào những việc cần thiết và cấp bách hơn", ông Cowshish kết luận.
Bỏ qua tiêm kích MiG-35 Nga, sai lầm lớn nhất của Ấn Độ?
Bỏ qua các yếu tố khách quan khiến tiêm kích Rafale mà Ấn Độ mua từ Pháp chậm bàn giao và đưa vào sử dụng thì có nhiều chuyên gia nhận định New Delhi đã "bị lừa". Họ phải mua một chiếc tiêm kích thế hệ 4 với giá siêu đắt, thậm chí còn đắt hơn cả tiêm kích tàng hình thế hệ 5 như F-35 của Mỹ hay Su-57 của Nga.
Tiêm kích MiG-35 do Nga chế tạo.
Trở lại gói thầu phát triển tiêm kích đa năng tầm trung MRCA, để cạnh tranh, Nga đã chào hàng tiêm kích MiG-35 với rất nhiều ưu đãi khủng, tuy vậy, Ấn Độ đã chê ỏng chê eo để đặt mua tiêm kích Rafale của hãng Dassault, Pháp.
Cuối cùng họ đã nhận quả đắng không khác gì "bị lừa" khi sẵn sàng chi ra tới hơn 10 tỷ USD cho hợp đồng khủng này, nhưng Dassault chỉ sẵn sàng chuyển giao sản phẩm lắp ráp nguyên chiếc và từ chối cấp chứng nhận chất lượng cho sản phẩm tiêm kích Rafale lắp ráp tại Ấn Độ.
Bất đồng giữa hai bên đã khiến hợp đồng đổ vỡ sau khi Ấn Độ chỉ đồng ý mua 36 máy bay Rafale nguyên chiếc từ Pháp. Và bây giờ như chúng ta đã thấy, không được chuyển giao công nghệ, giá mua nguyên chiếc lại siêu đắt, nay còn thêm cú knock-out bởi đại dịch Covid-19 nữa càng khiến Ấn Độ phải hối hận.
Vẫn biết MiG-35 không phải là quá ưu việt bởi nó vẫn có những hạn chế nhất định, nhưng rõ ràng so với Pháp thì Nga là đối tác tin cậy hơn rất nhiều.
Nếu ngay từ đầu Ấn Độ chọn MiG-35 ngay từ khi mở thầu năm 2008 thì tới giờ này có lẽ họ đã có trong tay nhiều chiếc tiêm kích xuất xưởng nội địa chứ không chỉ phụ thuộc vào Pháp như hiện nay.
Khi đó, với 7,7 tỷ USD Ấn Độ có thể mua đủ 126 chiếc MiG kèm theo công nghệ để sản xuất trong nước, thay vì 10 tỷ USD cho 36 chiếc Rafale của Pháp và phải chờ đợi rất lâu mới được giao hàng.
"Tiền mất, tật mang", Ấn Độ chỉ còn biết than trời mà thôi!