Người Việt luôn quan niệm "dâu là con, rể là khách", nhà có con gái gả chồng, bố mẹ thường hết lòng chiều chàng rể với mong muốn con gái mình sẽ được thương yêu, trân trọng. Tuy nhiên, đôi khi chính những quan niệm này lại khiến nhiều chàng rể sống ích kỷ, hời hợt với nhà ngoại.
Trong khi đó, phụ nữ về nhà chồng thì luôn phải dốc tâm, dốc sức chăm lo cho cả gia đình bên nội. Điều này rất dễ dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng. Giống câu chuyện của 1 người vợ mới chia sẻ trên mạng xã hội dưới đây chẳng hạn.
Cô vợ kể: "Nghĩ mới thấy, bố mẹ đẻ con gái thiệt thòi thật sự. Lúc nhỏ nuôi ăn học, con trưởng thành, biết kiếm tiền thì gả đi, chẳng được nhờ vả tí nào. Đã vậy, nếu được chàng rể biết sống còn đỡ, chứ vớ được ông con rể vô tâm thì chán hẳn. Như em đây, bản thân là con 1 nên ngày con gái luôn đặt mục tiêu lấy chồng gần, sau có gì còn chạy về chăm lo cho bố mẹ đẻ.
Lựa lên lựa xuống cũng lấy được chồng gần thật, có điều mọi thứ không được suôn sẻ đúng dự tính ban đầu. Chồng em gia trưởng quá thành thử em sống gần nhà đẻ thật mà có được chăm lo, đỡ đần bố mẹ đâu.
Ảnh minh họa
Chồng em mặc định trong đầu "dâu là con, rể là khách" nên khi về nhà bố mẹ vợ, anh hờ hững không gần gũi với ông bà. Mang tiếng nhà nội cách nhà ngoại có 7km mà chẳng mấy khi anh sang thăm bố mẹ vợ. Trừ khi nhà ngoại có việc, bố mẹ phải gọi anh mới sang.
Em ghét nhất là khi về bên nhà vợ, chồng em lúc nào cũng tỏ ra lạnh nhạt như thể người dưng. Không bao giờ anh chủ động xắn tay làm cùng mọi người mà cứ nằm khểnh xem tivi, tới bữa đợi người mời ăn. Thậm chí sang nhà thấy bóng điện cháy anh cũng chẳng mua thay cho 2 ông bà. Em nói thì lại bảo: 'Anh là rể, mấy việc đó không thuộc phận sự".
Bực nhất là hôm qua, bố mẹ đẻ gọi vợ chồng em về làm cỗ cúng Rằm. Như mọi khi em luôn tranh thủ về sớm nấu nướng cho ông bà nhưng hôm qua con em ươn người, nó quấy bám rịt mẹ không chịu theo ai. Bố mẹ em xót cháu bắt con gái ở yên trên nhà bế nó.
Hai ông bà cứ lọ mọ đun nước thịt gà, nấu xôi lại còn làm bao nhiêu món. Chồng em vẫn nằm phòng khách xem ti vi không hề có ý đỡ bố mẹ. Em nhìn thế ngại quá, quay ra giục anh: 'Anh ra làm với bố mẹ cho nhanh. Ai lại mình thành niên nằm chơi để ông bà già phục vụ cho ăn thế'.
Em cũng nhẹ nhàng nhắc thôi, ấy thế mà anh bật ngay đầu dậy, gằn giọng với vợ: 'Làm gì có chuyện con rể về nhà vợ lại phải vào bếp nấu cơm. Nói thật, đây về ăn cho đã là may rồi đó. Không biết điều, lần sau đừng mơ tôi về'.
Thái độ ngang ngược của anh đúng là không thể chấp nhận được. Tức quá, em đáp lời luôn: 'Thế thì anh khỏi phải ăn, lần sau khỏi về cũng được. Bố mẹ thương con quý cháu mới vợ chồng mình về sum vầy. Nhưng anh thấy thoải mái, thật tâm muốn về thì hãy về chứ không phải về theo kiểu miễn cưỡng ban ơn vì không ai cần cái ơn đó từ anh hết.
Nói thật, em lấy chồng chỉ mong chồng mình hiểu biết, cùng vợ chăm lo gia đình nội ngoại hai bên như nhau. Để bố mẹ em có chàng rể hiền, không phải là mang về cho họ "ông khách" kênh kiệu coi thường bố mẹ vợ'.
Ảnh minh họa
Nghe vợ nói, anh nhăn mặt vò đầu bứt tóc, làu bàu bảo em lắm lời nhưng sau cũng xuống bếp vồn vã hỏi bố mẹ vợ có việc gì để làm cùng. Trước giờ chồng em vốn là công tử bột, không biết nấu nướng nên cũng chỉ loanh quanh ngồi nhặt rau, bóc hành tỏi thôi nhưng nhìn không khí vui vẻ, gần gũi hơn hẳn. Với lại như thế xem ra anh vẫn thuộc diện còn có thể 'cải tạo' được các chị ạ".
Phụ nữ kết hôn, ai cũng mong lấy được người đàn ông tâm lý, hiểu biết để có thể cùng vợ chăm lo cho gia đình nội ngoại hai bên công bằng, tình cảm. Khi các anh thể hiện đúng vai trò là rể hiền thì chắc chắn rằng người phụ nữ bên cạnh các anh sẽ tận tâm dốc sức lo trọn bổn phận vợ đảm, dâu ngoan chăm lo, vun vén cuộc sống bên gia đình nhà chồng. Làm được như thế, tình cảm gia đình sẽ luôn keo sơn gắn bó.