Bố mẹ trẻ độc hại

ISSAC MEO MEO/ THIẾT KẾ: VŨ CƯỜNG |

Không một đứa trẻ nào lớn lên vui vẻ nếu chúng nhìn thấy cha mẹ mình đau khổ. Và chỉ những người cha mẹ hạnh phúc mới có thể khiến con mình đủ đầy về mặt tinh thần. Ngay cả khi, họ không hạnh phúc cùng với nhau.

Một trong những ký ức đầu đời của tôi về gia đình mình, đấy là hình ảnh bố tát mẹ một cái đập đầu vào thành cầu thang khiến bà bị chấn thương sọ não nhẹ. Cú đánh ấy là một cột mốc mang tính định nghĩa trong tôi. Kể từ ngày hôm ấy, tôi biết rằng gia đình mình không hạnh phúc.

Với một đứa trẻ, việc chấp nhận rằng bố mẹ mình luôn trong trạng thái thù địch là tổ hợp của những cảm xúc cực kỳ phức tạp. Vừa là nỗi buồn khi thấy mẹ mình phải khóc, là nỗi sợ khi ngồi co ro nghe tiếng cãi vã hàng đêm, là sự hoang mang trong những bữa cơm khi không ai muốn nói chuyện với nhau, và cả sự ghét bỏ bởi ai cũng muốn kể xấu về người kia với đứa con khi có cơ hội.

Những di chứng của một tuổi thơ với đầy những cảm xúc hỗn loạn ấy theo tôi đến khi trưởng thành. Dù là một người có nhận thức về bản thân khá tốt và luôn tìm cách để sống đời mình tích cực, nhưng càng ngày tôi càng nhận ra những bão tố của gia đình đã để lại trong tôi một khoảng trống không thể lấp đầy và cũng không thể gọi tên. Nó khiến tôi luôn cảm thấy xa cách với gia đình mình, dù là khi còn là một đứa trẻ hay khi tôi đã trưởng thành. Nó luôn hiện diện trong sâu thẳm và tìm cách ngấu nghiến tôi theo những cách khác nhau. Khi tôi đổ vỡ, khi tôi thất bại, khi tôi cô đơn…

Bố mẹ trẻ độc hại- Ảnh 1.

Bố mẹ tôi cũng giống như rất nhiều các bố mẹ khác - nghĩ rằng việc cho con một gia đình đầy đủ sẽ là thứ tốt nhất để con không bị thiệt thòi và mặc cảm khi bước ra xã hội. Nhưng đó chỉ là một gia đình về mặt hình ảnh. Đằng sau bức tường là những cuộc chiến, là sự hành hạ về mặt tinh thần khi đứa trẻ phải nhìn thấy hai người nó rất mực yêu thương luôn thù ghét và làm khổ nhau, đi cùng những gánh nặng mặc cảm khi nó nghĩ mình chính là nguyên nhân của nỗi đau ấy. Trong suốt tuổi thơ của mình, mặc cho những nỗ lực của bố mẹ trong việc giữ lại gia đình này, điều tôi mong ước nhất là một ngày kia họ sẽ ly hôn.

Khi xem đoạn livestream của Lâm Minh ngày hôm qua, tôi không thể nghĩ về điều gì khác ngoài đứa trẻ đang ngơ ngác xuất hiện trên màn hình. Ở độ tuổi chưa đầy đủ nhận thức về thế giới xung quanh, việc chứng kiến nỗi đau và sự tức giận của cha mẹ là một điều quá sức.

Tôi không bình luận về những hành động của cả hai vợ chồng, bởi câu chuyện như thế nào chỉ có họ mới hiểu. Nhưng những gì họ cho ta thấy là một mối quan hệ đã chạm mức độc hại, khi cả hai đã không thể đối thoại với nhau và liên tục khơi gợi những cảm xúc lẫn hành vi tiêu cực nhất của đối phương. Sẽ là không lành mạnh với một đứa trẻ nếu lớn lên trong một bầu không khí của sự xung đột và bất ổn về mặt cảm xúc như vậy.

Bố mẹ trẻ độc hại- Ảnh 2.

Bố mẹ trẻ độc hại- Ảnh 3.

Nỗi đau là một thứ mang tính di truyền - đây là điều mà tôi đã nhận ra sau những cuộc trò chuyện với nhiều người bạn cũng từng lớn lên trong hoàn cảnh giống mình. Ở thế hệ của tôi, phải mất rất nhiều năm tôi mới nhận ra được sự độc hại của bố mẹ có thể tồn tại dưới những hình thái khác nhau. Không chỉ là yêu thương sai cách, mà còn là việc tạo ra một bầu không khí tiêu cực trong môi trường gia đình và trực tiếp khiến con cái phải tiếp nhận. Nhiều cha mẹ luôn nghĩ rằng chỉ cần cho con vật chất, chỉ cần nói yêu thương, chỉ cần thật nuông chiều - là đủ để con có thể lớn lên trọn vẹn. Nhưng họ không hiểu rằng, con cái kết nối với cha mẹ bằng một mối dây ruột thịt, tình yêu của con cái dành cho họ cũng lớn không kém tình yêu của họ dành cho con. Không một đứa trẻ nào lớn lên vui vẻ nếu chúng nhìn thấy cha mẹ mình đau khổ. Và chỉ những người cha mẹ hạnh phúc mới có thể khiến con mình đủ đầy về mặt tinh thần. Ngay cả khi, họ không hạnh phúc cùng với nhau.

Khi hiểu rằng cha mẹ mình có những rào cản về mặt ý thức mà họ không thể vượt qua, cũng như việc thế hệ của họ không có được sự hỗ trợ tinh thần để nhận diện và tìm cách hóa giải những nỗi đau tích tụ qua năm tháng - tôi cảm thấy thông cảm cho cách hành xử và những quyết định của họ trong quá khứ. Nhưng cha mẹ thuộc về một thế hệ mà những chấn thương tâm lý bị xem nhẹ, những định kiến về xã hội lại đè nặng và ngăn họ dám bước ra khỏi những gì được xem là chuẩn mực. Ở thế hệ hiện đại, chúng ta đã học cách nhận ra những bất ổn của bản thân, đã tích cực tìm cách cân bằng những dấu vết của sự độc hại mỗi khi chúng len lỏi trong cuộc sống. Chúng ta cũng đã nhìn được những sai lầm của cha mẹ có thể để lại những vết thương dai dẳng thế nào cho con cái, và từ đó tự nhắc mình sẽ phá vỡ lời nguyền đó lên thế hệ sau. Chúng ta biết mưu cầu hạnh phúc, biết đặt giá trị bản thân lên trên những định kiến xã hội, biết coi trọng cảm xúc và cuộc đời còn đang mở ra phía trước. Đó là những thứ sẽ tiếp thêm sự dũng cảm để ta sẵn sàng bước ra khỏi những mối quan hệ mà việc ở bên nhau đã là sự đày đọa cho cả vợ chồng lẫn con cái.

Bố mẹ trẻ độc hại- Ảnh 4.

Tôi nghĩ, không chỉ riêng Lâm Minh, mà còn là bất cứ ai đang mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không có lối thoát - đều xứng đáng có cho mình một cơ hội thứ 2. Việc trở thành một người mẹ, một người cha cũng có nghĩa là phải trưởng thành, mạnh mẽ và cân bằng để làm điểm tựa cho con cái. Đó là trách nhiệm cả đời đòi hỏi mỗi người đều phải nỗ lực hơn mỗi ngày để trở thành một con người tốt hơn cho con. Không chỉ cần học cách ứng xử với nhau một cách văn minh ngay cả trong xung đột, mà còn là tự nhìn nhận được những bất ổn của bản thân và tìm cách giải quyết chúng.

Khởi đầu của sự đổ vỡ bao giờ cũng khó khăn, nhưng từ đó sẽ nảy mầm một cuộc đời mới. Trong cuộc đời ấy, có lẽ mỗi người đều sẽ tìm được một hạnh phúc mới riêng cho mình, và chắc chắn, đứa trẻ cũng sẽ được hạnh phúc khi nhìn thấy cha mẹ chúng mỉm cười.

Bố mẹ trẻ độc hại- Ảnh 5.

https://kenh14.vn/bo-me-tre-doc-hai-20240526121217057.chn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại