Tòa hỏi hai đứa trẻ theo ai?
Ông Tư Kiên (hay còn có tên khác là Chi) và bà Huỳnh Thị Ơn (quê gốc ở Cần Thơ) gặp gỡ nhau ở Tây Ninh. Ông Tư Kiên đã từng có một đời vợ, và những đứa con riêng nhưng hôn nhân không trọn vẹn. Ông và bà Ơn nảy sinh tình cảm, xây dựng tổ ấm mới. Thời điểm đó, gia đình bà Ơn không đồng ý vì ông Tư Kiên đã 60 tuổi, bà Ơn thì còn trẻ. Tuy nhiên, họ vẫn quyết tâm đến với nhau.
Ông bà lần lượt có 2 người con gái là Nguyễn Thị Minh Lạc (SN 1975) và Nguyễn Thị Minh Hồng (SN 1976).
Cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, bà Ơn nhiều lần đưa các con về nhà ngoại ở. Đến năm 1983, ông bà đưa nhau ra tòa ly hôn. Tòa hỏi hai đứa trẻ theo ai, Lạc nói theo ba, Hồng muốn theo mẹ. Tuy nhiên, ông Tư Kiên không chịu. Chẳng biết cuộc nói chuyện của ông bà đi tới đâu, sau đó ông dẫn 2 con đi.
Nhà đã bán, ông Tư Kiên chở 2 con trên chiếc xe đạp đi khắp nơi. Tới một địa điểm, ông xin cho 2 con đến trường. Đi học được mấy hôm, vào một buổi trưa, bà Ơn đến sân trường dẫn Hồng đi. Hai chị em thất lạc nhau từ đó.
Ông Tư Kiên đưa con gái về An Giang, rồi lên TP.HCM, Lâm Đồng, Vũng Tàu. Ngày đó, chị Lạc chỉ nghĩ ba đưa mình đi chơi. Sau này xâu chuỗi lại, chị mới hiểu ba đi là để tìm cho chị một chỗ ở lâu dài.
Có thời gian, ông Tư Kiên đưa chị Lạc về Bảo Lộc, Lâm Đồng, nơi gia đình người vợ đầu cùng mấy người con của ông đang sống. Được một thời gian, chị Lạc không thích ở nữa vì cảm thấy người ta không quý, không thương, không gần gũi với mình.
Người cha già lại đưa con đi, tá túc nhiều nơi trước khi về lại Vũng Tàu. Ông Tư Kiên xin cho con gái ở một gia đình để giữ em, người ta cho ăn cơm, có chỗ ngủ đàng hoàng. Còn bản thân ông tự đi kiếm ăn, ông đi đâu, làm gì chị Lạc cũng không rõ, chỉ biết đến chiều, hoặc 1-2 ngày ông lại về nhà chủ của chị một lần, ngủ nhờ ở ngoài hiên. Lúc này, chị Lạc đã biết thương ba, xót xa nhưng không nói ra được thành lời.
Vì muốn con đi làm có tiền để học được nghề may, sau này tự lo cho cuộc sống nên ông Tư muốn gửi con vào làm ở quán cà phê. Thế nhưng lúc đó, chị Lạc mới 14-15 tuổi, nghe người ta bảo: “Ba cho mày đi phụ quán cà phê là muốn bán mày đó”, nên chị sợ, bỏ trốn về lại nhà chủ cũ trông em.
Năm 1990 đã xảy ra một chuyện khiến chị Lạc phải bỏ nhà chủ mà đi, xuống cảng cá Phước Tỉnh làm thuê. Một buổi sáng năm 1991, khi đang đi làm, chị nhận được tin ba đã qua đời. Ông Tư Kiên mất đột ngột do bị cảm giữa đường.
Về phía Hồng và bà Ơn, sau khi gia đình ly tán, hai mẹ con họ về ở trên đất nhà ngoại. Bà Ơn làm ruộng, làm mướn, hai mẹ con tự túc rất chật vật. Một thời gian sau, bà Ơn phát bệnh lao phổi, Hồng bỏ học ở nhà chăm mẹ. Thuốc men được nhà nước hỗ trợ, nhưng không có tiền mua thức ăn bồi bổ, bà Ơn ngày càng ốm nặng rồi qua đời vào năm 1992.
Mẹ mất, rồi nhà thì bị cháy, năm 17 tuổi, chị Hồng rời quê mẹ, một mình lên TP.HCM làm thuê. Năm 2010, chị sinh được một người con gái, hôn nhân không như ý nên đường ai nấy đi. Hiện tại, chị đã xuống tóc đi tu.
41 năm chìm nổi, hai chị em cũng tìm thấy nhau
Lại nói về chặng đường đời tiếp theo của chị Lạc. Xảy ra nhiều biến cố cuộc đời, chị cũng đã từng định đi tu. Tuy nhiên, nghĩ đến món nợ 5 chỉ vàng mai táng cho cha, chị quyết tâm ra đời kiếm tiền trả nợ. Chị Lạc xin vào làm ở quán cơm Lăng Ký, nổi tiếng Vũng Tàu, nơi có má Tư, má Liên. Ở đây, chị mới biết gia đình là như thế nào, chị được ăn uống, được đi chơi, được chỉ bảo, căn dặn.
Làm việc ở quán cơm này, chị trả được nợ, còn tích góp được 1 chỉ vàng. Chị quyết định đi học nghề may, thực hiện nguyện vọng năm xưa của ba. Nguyện vọng mà năm ấy, hai ba con đã không đủ kết nối để chị hiểu lòng ba. Sau đó, chị Lạc làm công nhân xưởng may và duy trì công việc này đến hiện tại.
Năm 1998, chị Lạc kết hôn với anh Lê Cương. Đó là lúc chị thực sự có một ngôi nhà, một tổ ấm. Chị Lạc may mắn hơn em gái, khi có cuộc hôn nhân hạnh phúc, lần lượt sinh được 3 người con gái.
Khi hai con gái đầu chào đời, hình ảnh chị em quấn quýt khiến chị lại nghĩ đến mình và em gái. Điều đó càng thôi thúc chị đi tìm lại em Hồng.
“Khi ba mẹ chia tay thì ba rất hận, không muốn nhắc tới mẹ. Ba bảo tôi hãy quên hết mọi thứ đi, vì thế tôi cũng không dám nhắc tới.
Năm 19 tuổi, sau khi ba mất, tôi có trở về Cần Thơ tìm gia đình. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều, tôi hỏi thăm mà không ai biết gì cả. Thấy vô vọng quá nên tôi bỏ cuộc”, chị Lạc kể. Sau này chị mới biết ngày đó chị đã tìm về nhầm huyện khác.
Nhờ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, chị Lạc, chị Hồng đã đoàn tụ sau 41 năm xa cách. Hóa ra, chị Hồng cũng đang ở Vũng Tàu, hai chị em chỉ cách nhau có 20km mà thôi.
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly