Suýt mất con vì để con tự khóc
Câu chuyện của anh Thành Long (32 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) chia sẻ về sự việc bé Nhật Nam 2,5 tuổi phải đi cấp cứu chỉ vì bố để bé khóc lâu.
Anh Thành Long chia sẻ: "Mình chưa bao giờ phải trải qua cảm giác tồi tệ, nghẹt thở đến thế. Buổi trưa ngày 15/9, khi đang nấu cơm thì con trai chạy ra mách bố là bị ông trêu. Mình đang bận nên bảo: "Sao con suốt ngày khóc thế, hư bố không bênh đâu!".
Thế là con lủi thủi xuống nhà cùng chị, tiếp tục khóc gọi: "Mẹ ơi!", cứ vừa khóc vừa hét đòi mẹ trong khoảng 5-7 phút nhưng không ai dỗ. Rồi chị cháu hốt hoảng chạy lên gọi: "Bố ơi! Em làm sao ấy!".
Mình chạy xuống thì đã thấy con đang co giật, sùi bọt mép, mặt dần chuyển sang tím ngắt dưới sàn. Một hình ảnh thật sự ám ảnh, kiểu như nhìn con đang chết dần ngay trước mắt mà mình không biết phải làm gì...".
Bé Nhật Nam nằm viện
Khi đó, cả ông bà và bố chỉ biết gọi: "Con ơi!", lay con theo bản năng. Rồi bố bé mới vội vàng chạy gọi cấp cứu và ra đường cầu cứu các xe ngoài đường mong đưa con đi viện sớm.
Đến cổng viện, bé Nhật Nam vẫn trong trạng thái lịm ngắt, bố gọi không biết gì. Trước đó, khi con ngủ bình thường, nếu gọi con sẽ khó chịu hoặc khóc. Nhưng trong lần này, bé không hề phản ứng lại, hàm răng cắn chặt ngón tay bố rồi hơi thở yếu dần, mắt hé nhỏ, chỉ thấy lòng trắng.
Mẹ bé đã vội vàng chạy về với con, đứng chờ sẵn ở cổng, bế con từ cổng Bệnh viện Xanh Pôn lên khoa cấp cứu, gọi con liên hồi nhưng con không tỉnh dậy.
Bất ngờ là lên đến khoa cấp cứu một lúc, chưa có can thiệp gì, Nhật Nam đã tự tỉnh lại, khóc gọi mẹ.
Bác sĩ cũng hoảng
PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ tình huống như thế này ông cũng hay gặp. Bác sĩ Dũng cho biết mới đầu bác sĩ cũng "phát hoảng" với những trẻ như thế này.
Lý giải điều này, bác sĩ Dũng cho biết, một số cháu vì thần kinh của nó không vững vàng nhất là cháu hay hờn. Khi khóc, trẻ bị co thắt thanh quản, thanh quản là chỗ hẹp nhất đường thở, khi có thắt lại, không khí không vào, thiếu oxy gây tím tái, oxy trong não cũng bị thiếu gây co giật. Nhưng co giật này thoáng qua sau đó nó có cơ chế tự thở ra.
Trong một số trường hợp, sau khi nín thở, bé ngất đi. Lúc này, cơ thể tự kích hoạt để hô hấp trở lại bình thường. Một số trẻ có giật nhẹ đầu chi hay co giật nhưng những ca này rất hiếm gặp. Bé có thể hồi phục nhanh chóng hoặc không đáp ứng với kích thích trong một thời gian ngắn.
Các cơn khóc lặng có thể rất khác nhau về mức độ nặng nhẹ và tần suất. Chúng có thể xảy ra thường xuyên, vài lần mỗi ngày hay thưa thớt hơn, chỉ vài lần mỗi năm. Cơn thường xuất hiện khi trẻ mệt mỏi quá mức, bực bội hay khóc lóc.
Những tình huống như thế, bác sĩ Dũng cho biết lúc đầu bác sĩ cũng sợ vì thấy các cháu đang khoẻ mạnh bỗng dưng co giật, tím tái nhưng sau này gặp nhiều và theo dõi thì thấy các cháu tự thở lại chúng ta không cần sơ cứu, lay người vì bản thân cháu bé sẽ tự thở.
Trong trường hợp này, bác sĩ Dũng cho biết "chúng ta không cần làm gì cháu bé cả nhưng với điều kiện là cháu bé hoàn toàn khoẻ, không có bất kỳ bệnh lý tim mạch, viêm phổi… gì. Trước đó bé đã đi khám nghe tim không có bệnh gì. Còn với các bé có bệnh sẵn thì phải đưa bé đi cấp cứu".
BS Dũng kể có nhiều những bệnh nhi đến khám, bố mẹ nói con bình thường, nhưng khi khóc làm nũng là cháu lại co giật. Lúc ấy, bác sĩ tư vấn cho rằng không nên làm gì vì nếu sơ cứu bóp bóng có thể gây ra tình trạng nặng hơn vì cơ chế cho thắt thanh quản sau đó do phản ứng tự vệ thiếu ô xy lại kích thích vỏ não phải thở.