Theo Jiupai News, cậu học sinh đến đồn cảnh sát ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc để trình báo về địa điểm lớp học ngoài giờ mà cậu bị bố mẹ ép tham gia.
Tại đồn cảnh sát, cậu bé cho biết, ngày cuối tuần thường không được nghỉ ngơi mà phải làm bài tập về nhà vào buổi sáng, rồi buổi chiều đi học thêm liên miên . "Cháu bị stress vì học thêm. Cháu không muốn tham gia những lớp học đó nữa", cậu bé đau khổ nói với cảnh sát.
Theo đoạn video ghi lại tại đồn công an, cậu bé mặc đồng phục học sinh và khóc khi phàn nàn về áp lực học tập bản thân đang phải chịu. Một sĩ quan cảnh sát ngồi nghe rồi đưa cho cậu chiếc khăn giấy để lau nước mắt.
Mặc dù thành tích học tập của cậu đứng thứ 8 trong lớp và thứ 25 toàn khối nhưng bố mẹ vẫn muốn phải đạt điểm, thứ hạng cao hơn nữa.
Để an ủi cậu bé, một cảnh sát nói: "Cháu đã có thành tích học tập xuất sắc và bố mẹ chỉ mong cháu học tập chăm chỉ hơn một chút thôi". Đồng thời vị cảnh sát này đưa ra lời khuyên hãy tâm sự với cha mẹ về áp lực của mình, nhưng cậu bé đã lắc đầu đầy thất vọng.
Câu chuyện của cậu bé làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội về áp lực học tập mà trẻ em đang phải đối mặt hàng ngày.
"Cậu bé thật đáng thương. Trông dáng vẻ mệt mỏi của bé mới tội nghiệp làm sao", "Tại sao cha mẹ lại ép con học nhiều như vậy?"...
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đồng tình với cha mẹ của cậu bé: "Khi doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên mới, họ yêu cầu ứng viên phải có bằng cấp của các trường đại học hàng đầu. Vì vậy, nếu bạn không học tập chăm chỉ, bạn sẽ không có một tương lai tươi sáng. Đúng, áp lực học tập rất lớn nhưng bạn phải chịu đựng".
Vào tháng 10/2023, một học sinh ở tỉnh Thiểm Tây gọi điện cho cơ quan giáo dục địa phương hơn 10 lần trong một giờ để báo cáo rằng trường tổ chức các lớp học ngoại khóa trong kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài một tuần.
Nhà trường sau đó được chính quyền yêu cầu dừng các hoạt động dạy thêm.
Ngày 15/10/2023, chính quyền đại lục ban hành lệnh cấm các lớp dạy thêm với trẻ mẫu giáo, tiểu học và học sinh cấp hai.
Quyết định này tuân theo chính sách "giảm gấp đôi" gây tranh cãi được ban hành cách đây hai năm, trong đó đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt về bài tập về nhà và phạm vi dạy kèm sau giờ học.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ lo sợ con mình sẽ không theo kịp với các bạn trong môi trường giáo dục cạnh tranh cao, nên đã bỏ thêm nhiều tiền hơn để thuê gia sư "ngầm" cho con.