TS.BS Đoàn Xuân Kiên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ thông tin, nữ sinh có khối u ở buồng trứng trái, chẩn đoán ung thư buồng trứng, được chỉ định cắt bỏ buồng trứng để loại bỏ khối u kết hợp xạ trị.
Lo lắng quá trình xạ trị sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của con trong tương lai, gia đình đã đưa con đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học để thực hiện trữ đông trứng, dùng cho việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm sau này.
Bác sĩ Kiên chia sẻ, thông thường, kỹ thuật chọc trứng được thực hiện qua đường âm đạo. Bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò siêu âm qua đường âm đạo để quan sát buồng trứng và các nang chứa noãn trong buồng trứng, sau đó đưa một kim nhỏ vào từng nang và hút phần dịch nang có chứa noãn trong nang trứng.
Tuy nhiên, bệnh nhân này mới 17 tuổi và chưa quan hệ tình dục nên các bác sĩ lấy trứng qua đường bụng.
"Việc tiếp cận buồng trứng qua đường bụng gặp nhiều khó khăn và dễ làm tổn thương các mạch máu, các tạng trong ổ bụng là những vấn đề mà ekip thực hiện phải đối mặt" , TS.BS Đoàn Xuân Kiên nói và cho biết, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của cả ekip, các bác sĩ lấy được 14 trứng từ buồng trứng phải của bệnh nhân để trữ đông.
Trữ đông trứng (hay còn gọi là bảo quản lạnh tế bào trứng đã trưởng thành) là kỹ thuật được áp dụng để trì hoãn thời điểm mang thai cho người phụ nữ. Khi thực hiện kỹ thuật này, trứng sẽ được chọc hút từ buồng trứng, đông lạnh và bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C trong nitơ lỏng, nhằm giúp trứng bảo toàn chất lượng tốt nhất đến khi được sử dụng.
Thông thường, đứng trước một trường hợp trữ trứng, bác sĩ sẽ cân nhắc trên nhiều yếu tố về tuổi, bệnh lý đi kèm, dự định có con trong tương lai.
Ngoài ra, các chỉ định khác của đông lạnh trứng hiện nay bao gồm: hiến noãn, tích trứng để ICSI, đông trứng theo nhu cầu xã hội.
Số lượng và chất lượng trứng của người phụ nữ sau tuổi 35 sẽ giảm dần, vì vậy trữ đông trứng nên được thực hiện trước 35 tuổi.