Khi tôi về nhà ăn tối trong kỳ nghỉ hè, tôi nói bâng quơ: “Mấy miếng sườn này không còn tươi nữa.” Mẹ tôi đã trả lời rằng: “Cái này do dì của con gửi hồi tháng 5 rồi. Mẹ để trong tủ lạnh chờ con về rồi mới nấu lên ăn.”
Tôi "ồ" lên một tiếng và cắn thêm một miếng lớn. Vài ngày sau, mẹ lại phàn nàn với tôi, nói từ khi tôi về nhà, bà lại tăng cân do ăn quá nhiều món. Bà cũng kể rằng khi tôi không ở nhà, bố mẹ tôi chẳng bao giờ mua thịt cá.
Chỉ khi nào có họ hàng, bạn bè gì đến mới ra chợ mua sắm một chút để chiêu đãi khách. Họ cũng chẳng cần mua rau vì khoảng vườn sau nhà cũng được hai người chăm bón thành một vườn rau tươi tốt.
Mỗi khi có ai đó hỏi tôi với đại ý tại sao hơn 20 tuổi đầu rồi vẫn phải để bố mẹ tiết kiệm như vậy, mẹ luôn bảo vệ tôi như một con gà mái già với đôi cánh rộng mở, và nói: "Con trai tôi phải học, thực sự không có thời gian để kiếm tiền." Mẹ tôi suốt ngày nói về chuyện con gái nhà người khác, sau khi học cao học rồi yêu, rồi gả đi mà không tốn một xu nào cả. Tôi vừa giận vừa cười.
Làm gì có chuyện người ta có thể yêu, có thể cưới mà không cần tiêu tiền. Làm gì có chuyện một chàng trai nào có thể chấp nhận cảnh nhà gái suốt ngày nương tựa, chỉ biết tiêu tiền của nhà trai chứ.
Tôi vội nói với mẹ rằng: “Thời đại này, con trai hay con gái đều bình đẳng. Đã yêu nhau sẽ có khoản tình phí, chỉ là bên nào ít, bên nào nhiều. Thậm chí, có nhiều trường hợp, đằng gái sẽ là người phải chi nhiều hơn.”
(Ảnh minh hoạ)
Chiếc điện thoại di động tôi sử dụng trước đây rất hay bị đứng màn hình nên tôi đã nói với mẹ rằng mình chuẩn bị đổi máy. Bà ấy liền nói rằng bố vừa mua máy mới, hay là hai người đổi với nhau vì đằng nào bố cũng chỉ dùng để nghe và gọi.
Dù tôi luôn miệng nói tôi có tiền để đổi điện thoại, cứ để bố dùng máy mới nhưng mẹ tôi vẫn hết lời thuyết phục tôi rằng chưa ra trường đã có đủ khoản để lo như gom tiền mua vật dụng trong nhà, chỗ này, chỗ nọ… Cho nên, những nơi không cần tiêu tiền thì không nên tiêu tiền làm gì cả.
Gia đình tôi có được coi là không có tiền không? Tôi không thể nói rằng chúng tôi không có tiền, nhưng bố mẹ tôi đã phải tiếp tục tiết kiệm, lên kế hoạch cho cuộc sống tương lai của tôi kể từ khi tôi bắt đầu học cao học. Bố mẹ đã vạch ra những khoản chi như học lên Tiến sĩ, mua nhà, kết hôn… tất cả đều cần một khoản tiền rất lớn.
Thực ra, tôi biết kế hoạch của họ, và họ nói rằng sẽ giúp tôi nhiều nhất có thể. Nhưng điều tôi có thể nói với họ là khi về hưu thì nên đi du lịch khắp nơi, đừng nghĩ đến việc tiết kiệm tiền cho tôi, tôi không còn mặt mũi nào mà đòi hỏi. Họ đã chăm sóc tôi hơn 20 năm, đã đến lúc tôi phải tự mình xây lên cuộc sống của chính mình.
(Ảnh minh hoạ)
Trong xã hội này, nhiều người lựa chọn tiêu tiền để tiết kiệm thời gian hoặc để đổi lấy sự giải trí đều là điều đáng đồng tiền bát gạo. Tuy nhiên, trong một gia đình đủ ăn đủ mặc bình thường, quan niệm tiêu dùng của bố mẹ là đủ duy trì cuộc sống cơ bản, các hoạt động xã hội bắt buộc mới có thể tiêu tiền, các khoản còn lại đều là lãng phí.
Ví dụ như họ không muốn đi taxi nếu có thể đi xe bus, thậm chí là chấp nhận đi bộ hơn 10km nếu như dư dả thời gian. Đối với họ, tiền cước taxi quá đắt so với số tiền một ngày mà họ làm được. Cho nên, thà tốn sức, tốn thời gian một chút còn hơn phải bỏ ra một khoản đắt đỏ chỉ để di chuyển.
Thực tế là như vậy, bố mẹ của nhiều người trong số chúng ta đã bị mắc kẹt và không có cơ hội để nhìn thấy thay đổi của xã hội hiện tại. Họ dậy sớm và thức khuya, họ làm quần quật để giúp bạn có thể thay đổi tương lai, không đi vào vết xe đổ của họ nữa.
Cho nên, hiện tại, hãy chăm chỉ học tập, cố gắng làm việc để sau này có thể đưa họ ra ngoài nhìn ngắm thế giới càng sớm càng tốt, tận hưởng tuổi già không vướng lo toan.
Nguồn ảnh: Weheartit