Bộ máy tướng lĩnh và cố vấn của TT Trump có lý do cá nhân để quyết "đánh" ở Afghanistan

Ngọc Anh |

Các tướng lĩnh, cố vấn của Tổng thống Trump hiểu rất rõ rủi ro và cái giá phải trả cho cuộc chiến ở Afghanistan, vì đời sống cá nhân của họ đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc chiến.

Tình hình chiến trường Afghanistan đang xấu đi nghiêm trọng và Mỹ phải làm gì, đó là một vấn đề quốc gia nhưng cũng mang tính cá nhân sâu sắc đối với các cố vấn an ninh và tướng lĩnh cao cấp nhất của Tổng thống Trump.

Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm của Trump, tướng về hưu James Mattis, trong thời gian vài tháng sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, đã chỉ huy một cuộc tấn công mạnh mẽ nhất từ tàu chiến và trong đất liền trong lịch sử Hải quân Mỹ, ở gần thành phố Kandahar, miền nam Afghanistan, một thành phố trọng yếu của Taliban.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump, tướng H.R. McMaster, cũng từng hoạt động tại Afghanistan khi ông dẫn đầu một lực lượng đặc nhiệm chống tham nhũng ở đó vào năm 2010.

Cố vấn quân sự hàng đầu của ông Trump, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng của liên quân, tướng Joseph F. Dunford, từng là chỉ huy trưởng lực lượng quân đội Mỹ ở Afghanistan vào năm 2013.

Và tướng bốn sao John Kelly, một tổng tư lệnh đã nghỉ hưu, nay là Chánh Văn phòng Nhà Trắng, đã mất một người con trai ruột ở chiến trường Afghanistan vào năm 2010. Con trai của ông Kelly, trung sĩ Robert Kelly, đã bị một quả mìn lấy đi tính mạng khi mới 29 tuổi.

"Quân đội Mỹ đã khiến kẻ thù của mình nếm trải hết thất bại này tới thất bại khác, nhưng cuộc chiến sẽ tiếp diễn trong nhiều năm, nếu không phải là hàng thập kỷ, trước khi lực lượng khủng bố cực đoan Hồi giáo bị quét sạch ", ông Kelly phát biểu tại St. Louis, vào thời điểm 4 ngày sau cái chết của con trai tại Afghanistan.

Vì vậy, trong khi xây dựng một chiến lược mới cho Afghanistan, các tướng lĩnh cấp cao trong chính quyền và quân đội Mỹ đã mang theo một mức độ ủng hộ và cam kết rất lớn cho cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Bộ máy tướng lĩnh và cố vấn của TT Trump có lý do cá nhân để quyết đánh ở Afghanistan - Ảnh 1.

Từ trái sang: Tổng tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Ảnh: US Marine Corps

Nhưng sự ủng hộ và cam kết đó là điều mà Tổng tư lệnh của họ, ông Trump, ít nhất là ban đầu, đã không chia sẻ.

Năm 2013, Trump đã viết trên Twitter rằng "Hãy ra khỏi Afghanistan. Các binh sĩ của chúng ta đang bị giết chết bởi chính những người Afghanistan mà chúng ta đã đào tạo, và chúng ta đang tốn hàng tỉ đô-la ở đó. Thật vô nghĩa. Hãy xây dựng lại nước Mỹ!"

Tuy nhiên, các tướng lĩnh của ông Trump lại có quan điểm khác về những mối đe dọa và rủi ro mà cuộc chiến tại Afghanistan mang lại.

Kịch bản rút quân ở Iraq không thể lặp lại ở Afghanistan

Các ông Mattis, Kelly và Dunford đều đã chiến đấu bên cạnh nhau trong cuộc chiến Iraq bắt đầu năm 2003.

Lúc đó, Thiếu tá Mattis, Chuẩn tướng Kelly và Đại tá Dunford đều là các lãnh đạo trong lực lượng Thủy quân lục chiến. Ông Kelly từng giữ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy Nam và từng làm Tư lệnh Các lực lượng đa quốc gia phương Tây ở Iraq. Ông Mattis thì từng lãnh đạo lực lượng Mỹ trong cuộc chiến Falluja ở Iraq năm 2004, một trong những trận đánh đẫm máu nhất của cả cuộc chiến.

Tất cả các ông đều đã trải qua cảm giác sâu sắc rằng việc Mỹ rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011 đã giúp mở đường cho sự sụp đổ của quân đội Iraq khi phải đối mặt với chiến dịch của IS tại đây vào năm 2014.

Không ai trong số các ông muốn một kịch bản giống như vậy lại xảy ra ở Afghanistan, nơi mà Taliban đang ở thời điểm mạnh nhất kể từ ngày 11/9/2001 và IS đã thiết lập được lực lượng tại đây.

Cả ông Mattis, Kelly hay Dunford đều biết rằng những trận chiến ở tỉnh Helmand (miền nam Afghanistan) khốc liệt như thế nào. Đó là nới 349 lĩnh Mỹ đã thiệt mạng trong một chiến dịch bắt đầu vào năm 2009 và kết thúc năm 2014.

Giờ đây, 300 lĩnh Mỹ khác đã trở lại Helmand vì Taliban mới đây đã giành lại được vùng lãnh thổ mà quân đội Mỹ từng chiếm được vài năm trước. Taliban vẫn kiểm soát khoảng 1/3 dân số Afghanistan, tương đương gần 10 triệu người.

Mỹ thay đổi cách tiếp cận cuộc chiến ở Afghanistan

Vào ngày 21/8 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã có một bài phát biểu bất thường trên truyền hình về chiến lược của Mỹ tại Afghanistan và Nam Á.

Bài diễn văn tốt, với các luận điểm chặt chẽ đã phản ánh sự đồng thuận trong quan điểm của các tướng lĩnh và bộ máy cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.

Bộ máy tướng lĩnh và cố vấn của TT Trump có lý do cá nhân để quyết đánh ở Afghanistan - Ảnh 2.

Tổng thống Trump mới có bài phát biểu về chiến lược của Nhà Trắng tại Afghanistan và Nam Á. Ảnh: AP

Tổng thống Trump thừa nhận trong bài phát biểu rằng "Bản năng ban đầu của tôi là chúng ta phải rút lui [khỏi Afghanistan]. Bình thường, tôi thích hành động theo bản năng của tôi".

Tuy nhiên, Trump thừa nhận rằng: "Một cuộc rút quân vội vã sẽ tạo ra một khoảng trống và những kẻ khủng bố, bao gồm cả IS và Al Qaeda, sẽ ngay lập tức tiến vào như đã từng diễn ra trước ngày 11/9/2001. Và như chúng ta biết, trong năm 2011, Mỹ đã rút lui khỏi Iraq một cách vội vã và sai lầm. Hậu quả là những điều chúng ta chiến đấu rất khó khăn để giành được cuối cùng đã tuột về tay những kẻ khủng bố".

Ông Trump cũng tuyên bố rõ rằng cam kết của Mỹ đối với Afghanistan sẽ dựa theo các điều kiện thực tế: "Trụ cột chính trong chiến lược mới của chúng tôi là chuyển từ cách tiếp cận theo thời gian sang cách tiếp cận theo các điều kiện thực tế. Tôi đã nói nhiều lần về những tác động ngược đối với Mỹ khi chúng ta thông báo trước ngày dự định bắt đầu và kết thúc một cuộc chiến".

Đây được coi là một lời chỉ trích ngầm về cách tiếp cận của chính quyền Obama đối với Afghanistan. Tổng thống Obama đã bổ sung hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ tới Afghanistan trong năm 2009, nhưng ông cũng đồng thời tuyên bố ngày rút quân của họ. Theo CNN, chính quyền ông Trump không có kế hoạch lặp lại sai lầm họ cho là rất nghiêm trọng này.

Tổng thống Trump cũng cho biết: "Mỹ sẽ hợp tác với chính phủ Afghanistan, miễn là chúng ta thấy sự quyết tâm và tiến bộ. Tuy nhiên, cam kết của chúng tôi không phải là vô hạn, và sự hỗ trợ của chúng tôi không phải là một tờ séc khống"

Khi bàn về chiến lược cho Afghanistan, cựu chiến lược gia trưởng (mới bị Trump sa thải hôm 18/8) là Steve Bannon đã đưa ra hai phương án là rút quân hoàn toàn – giống như cách đánh giá "bản năng" của ông Trump, hoặc sử dụng đội quân lính đánh thuê thay cho binh lính Mỹ tại Afghanistan.

Các cố vấn an ninh quốc gia của Trump và các vị tướng có nhiều kinh nghiệm ở Afghanistan đã không đồng ý với cả hai phương án trên.

Bannon không tham dự cuộc họp nội các cuối cùng về Afghanistan mà Trump chủ trì ở trại David vào chính ngày 18/8. Theo CNN, phương án dùng lính đánh thuê (từ các nhà thầu tư nhân có đào tạo lực lượng binh sĩ) để "outsource" cuộc chiến tại Afghanistan đã không được ủng hộ vì nó sẽ vấp phải nhiều rào cản về pháp lý, thậm chí là cả luật pháp của Afghanistan.

Cuối cùng, mục tiêu chiến lược then chốt của Mỹ ở Afghanistan là ngăn chặn các lực lượng khủng bố như Taliban, IS hay al-Qaeda kiểm soát đất nước này, biến nó thành căn cứ và bàn đạp thực hiện các cuộc tấn công chống lại nước Mỹ và các đồng minh, như những gì đã từng diễn ra vào ngày 11/9/2001.

Cho tới nay, mục tiêu chiến lược này đã lấy đi sinh mạng của 2403 binh sĩ Mỹ.

Hơn ai hết, các tướng lĩnh và cố vấn của Tổng thống Trump hiểu rất rõ những rủi ro và cái giá phải trả cho cuộc chiến ở Afghanistan, vì đời sống cá nhân của họ đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc chiến đó. Và cuối cùng, Tổng thống Trump cũng đã nhận ra và đồng thuận với quan điểm của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại