Mới đây, Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc tiết lộ, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã san sẻ quyền lực bằng cách giao thêm trách nhiệm cho một số trợ lý dưới quyền và cuộc họp Bộ Chính trị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động khóa 7 tổ chức trước đó được cho đã chứng thực điều này.
Triều Tiên đã tổ chức cuộc họp Bộ Chính trị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động khóa 7 vào ngày 13/8 để thảo luận về việc tái thiết sau thiên tai, hoàn thiện hệ thống chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh... và công bố các quyết định nhân sự quan trọng .
Giới tinh hoa kinh tế lên nắm quyền
Theo ông Jung Sung-jang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Sejong Hàn Quốc, tại hội nghị lần này, vấn đề tổ chức (nhân sự) đã được ưu tiên hàng đầu.
Ông Kim Tok Hun, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động kiêm Chủ tịch Ủy ban ngân sách Hội đồng Nhân dân Tối cao và ông Ri Pyong-chol, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động kiêm Bộ trưởng Công nghiệp quân nhu được chọn để thành lập nên cơ quan ra quyết sách cao nhất của đảng Lao động gồm 3 đến 5 thành viên, tức Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung ương đảng.
Ông Kim Tok Hun cũng chính là tân Thủ tướng Triều Tiên thay thế người tiền nhiệm trước đó là ông Kim Jae-ryong.
Ngoài ra, ông Pak Thae-dok, người đã được miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp vào tháng 2/2020, đã được bầu lại làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng và được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Pak Myong-sun và Phó Thủ tướng Jon Kwang-ho cũng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng.
Ông Kim Yong-su, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quản lý Tài chính được thăng chức Bộ trưởng.
Ngoại trừ ông Ri Pyong-chol là Bộ trưởng Công nghiệp quân nhu, hầu hết những người được thay đổi chức vụ hoặc thăng chức đều là thuộc giới tinh hoa trong lĩnh vực kinh tế. Điều này đã đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận.
Ông Kim Jong Un chủ trì cuộc họp Bộ chính trị ngày 13/8. Ảnh: KCNA
Ứng viên thường vụ xuất sắc
Chuyên gia Hàn Quốc nhận định, trong số những thay đổi về nhân sự tại cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên lần này, những vấn đề liên quan đến Ban thường vụ Bộ Chính trị được đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất, tân Thủ tướng Kim Tok Hun (59 tuổi) khác với các cựu Thủ tướng Pak Pong-ju (81 tuổi) và Kim Jae-ryong (61 tuổi), khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng, ông đồng thời được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Ông Pak Pong-ju tái đắc cử Thủ tướng Triều Tiên vào năm 2013, và tận 3 năm sau, ông mới trúng cử Ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị. Ông Kim Jae-ryong trong thời gian nhậm chức Thủ tướng từ năm 2019 đến khi bãi nhiệm (khoảng tháng 8/2020), không được bầu làm thành viên Ban Thường vụ Bộ chính trị.
Do đó, việc vừa trở thành Thủ tướng Chính phủ kiêm Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị cho thấy ông Kim Tok Hun nhận được sự tín nhiệm từ Chủ tịch Kim Jong-un.
Trước đó, mặc dù đã bị bãi miễn chức vụ nhưng ông Kim Jae-ryong cũng từng giữ chức Thư ký Ủy ban đảng ủy tỉnh Chagang, cũng được đánh giá là một nhân vật chính trị ưu tú. Tân Thủ tướng Kim Tok Hun lại từng là người đứng đầu Xí nghiệp Liên hợp Máy móc hạng nặng Taean kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Chagang, được coi là tinh anh kinh tế. Điều này cho thấy, ông Kim Tok Hun có năng lực hơn hẳn ông Kim Jae-ryong, theo chuyên gia Jung Sung-jang.
Thứ hai, với việc bầu ông Kim Tok Hun làm Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, đội ngũ tinh anh kinh tế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Triều Tiên đã tăng lên hai người, bao gồm Ủy viên Trung ương đảng kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Pak Pong-ju.
Cho đến trước cuộc họp của Bộ Chính trị Triều Tiên vào ngày 13/8, đội ngũ tinh anh kinh tế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên thường chỉ có một người hoặc không có.
Xét từ danh sách Ban Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng do Đại hội đảng lần thứ 4 bầu vào tháng 4/2012, hai trong số năm ủy viên Ban thường vụ là tinh anh trong quân đội. Tuy nhiên, trong số các ủy viên Ban thường vụ được bầu vào ngày 13/8, chỉ có một tinh anh quân sự, còn hai thành viên là tinh anh kinh tế.
Có thể thấy, do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt quốc tế và lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 dẫn đến giảm giao dịch thương mại quốc tế, thu hút ngoại hối và lũ lụt nghiêm trọng gần đây đã buộc ông Kim Jong Un phải giao nhiều trọng trách hơn cho đội ngũ tinh anh kinh tế. Điều này nhằm giúp Triều Tiên có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Theo ông Jung dự đoán, ông Pak Pong-ju sẽ có trách nhiệm tập trung vào một số lĩnh vực mà Chủ tịch Kim Jong-un đã đến hiện trường khảo sát và đặc biệt quan tâm, còn ông Kim Tok Hun sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động nền kinh tế chung, bao gồm các lĩnh vực khác.
Tân Thủ tướng Triều Tiên (khẩu trang trắng) thị sát vùng thiên tai. Ảnh: Yonhap news
Ủy viên Thường vụ quân sự hiếm thấy
Thứ ba, ông Ri Pyong-chol là thành viên quân sự đáng chú ý được bầu vào Ban thường vụ Bộ chính trị đảng Lao động Triều Tiên lần này.
Trong những ngày đầu ông Kim Jong-un nắm quyền, các ủy viên thường vụ quân sự trong Ban thường vụ Bộ Chính trị chủ yếu do Chủ nhiệm chính trị hoặc Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên đảm nhận.
Sau khi ông Ri Yong-ho, Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên từ chức vào năm 2012, ủy viên thường vụ quân sự chủ yếu do Chủ nhiệm chính trị đảm nhiệm. Vì vậy, rất hiếm khi Bộ trưởng Công nghiệp quân nhu - người chịu trách nhiệm duy nhất về việc phát triển vũ khí chiến lược như hạt nhân và tên lửa, lại có thể vượt qua Chủ nhiệm chính trị - người có thực quyền cao nhất trong quân đội Triều Tiên, được bầu làm Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị.
Ngoài ra, việc ông Ri Pyong-chol được bầu vào cơ quan ra quyết sách quân sự cao nhất vào tháng 5/2020, tức từ Ủy viên quân ủy trung ương trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động cũng là hành động phá lệ, bởi vị trí này thường do Chủ nhiệm chính trị quân đội nắm giữ.
Việc ông Kim Jong-un bổ nhiệm ông Ri Pyong-chol vào vị trí quan trọng cho thấy, nhằm để thúc đẩy phát triển các loại vũ khí chiến lược như hạt nhân, tên lửa và tác chiến thực chiến làm nhiệm vụ chính trong lĩnh vực quốc phòng, ông Kim Jong-un đã chuyển đổi cơ cấu ra quyết định quân sự hiện tại bởi Chủ nhiêm chính trị thành cơ cấu ra quyết định quân sự bởi Bộ trưởng Công nghiệp quân nhu.
Trong bảng xếp hạng sức mạnh quân sự quốc gia năm 2020 do Global Foreign Policy (Mỹ-GFP) công bố vào tháng 7, Hàn Quốc đứng thứ 6 và Triều Tiên đứng thứ 25. Nếu giải trừ vũ khí hạt nhân, Triều Tiên sẽ gặp bất lợi rất nghiêm trọng khi so sánh với sức mạnh quân sự của Hàn Quốc. Vì thế, từ nay về sau, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục phát triển chính sách song song tức vừa thúc đẩy kinh tế vừa phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo ông Jung, việc ông Kim Jong-un ủng hộ mạnh mẽ giới tinh hoa trong các ngành kinh tế và quân sự cho thấy Triều Tiên sẽ vừa theo đuổi quan điểm "tự phục hưng, tự thịnh vượng", đồng thời tiến tới tăng cường "khả năng răn đe hạt nhân tự vệ".