Nhiều người trên thế giới đã, đang thiệt mạng vì khủng hoảng khí hậu (Climate crisis), trong khi đó những hồ sơ ghi nhận các ca tử vong vì những thảm họa môi trường quy mô lớn này không phản ánh đúng thực trạng nghiệt ngã của biến đổi khí hậu - một trong những vấn đề toàn cầu đáng lo ngại nhất hiện nay.
Nhiều người sẽ chết vì sóng nhiệt hơn
Theo một nhóm các chuyên gia y tế Úc, nhiệt là mối nguy hiểm chi phối nhiều nhất do biến đổi khí hậu ở quốc gia này. Dự báo đến năm 2080, các thành phố của Úc sẽ phải chứng kiến viễn cảnh: Số người chết vì nhiệt sẽ tăng ít nhất 4 lần con số hiện nay.
Trong khi đó, Colombia có thể phải đối mặt với con số khổng lồ hơn khi sự gia tăng số người chết vì sóng nhiệt sẽ gấp 30 lần con số ngày nay. Đối với Brazil và Philippines, con số sẽ là gấp khoảng 10 đến 20 lần tỷ lệ tử vong hiện tại. Các thành phố lớn của Mỹ sẽ chứng kiến số người chết vì nhiệt sẽ tăng ít nhất 4 lần hiện nay.
Một nghiên cứu riêng biệt được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại MIT cho thấy đồng bằng bắc Trung Quốc có thể phải đối mặt với sóng nhiệt khiến tất cả không thể ở được.
Ảnh minh họa về sóng nhiệt. Nguồn: Getty
Quay trở lại với nước Úc, từ năm 2006 đến 2017, phân tích cho thấy chỉ có khoảng 0,1% trong số 1,7 triệu ca tử vong được quy trực tiếp hoặc gián tiếp do nhiệt độ tự nhiên tăng quá mức. Nhưng phân tích mới này cho thấy tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt của Úc thực chất là khoảng 2%.
"Biến đổi khí hậu là một kẻ giết người thầm lặng, nhưng chúng tôi không thấy điều đó trong các báo cáo tử vong vì nhiệt. Chúng tôi biết rằng các vụ cháy rừng mùa hè là hậu quả của sức nóng và hạn hán bất thường và những người chết trong các vụ cháy rừng không chỉ là những người lính cứu hỏa - nhiều người dân Úc đã chết sớm do tiếp xúc với khói từ đám cháy" - Chuyên gia vật lý Arnagretta Hunter tại trường Đại học Quốc gia Australia nói.
"Biến đổi khí hậu là mối quan tâm của nhiều người. Nhưng nếu ảnh hưởng của nhiệt độ khắc nghiệt không được ghi lại, tác động đầy đủ của nó không bao giờ có thể hiểu được", các tác giả lập luận.
Trong một thế giới không thể đoán trước, nếu chúng ta muốn biết chúng ta sẽ đi đâu, chúng ta phải biết chúng ta đã ở đâu. Chỉ ra có bao nhiêu người trong chúng ta đã chết vì biến đổi khí hậu sẽ là chìa khóa cho quá trình đó. Chúng ta không thể bỏ qua nó nữa.
Bão/Siêu bão sẽ gây tang thương toàn cầu
Cũng trong bối cảnh liên quan đến biến đổi khí hậu, các nhà khoa học nhận định: Trong một thế giới đang ngày càng nóng lên sẽ kích hoạt các cơn bão trở nên mạnh hơn, khó lường hơn và có những tác động mạnh mẽ hơn đến tính mạng con người.
Theo nghiên cứu, những cơn bão mạnh nhất trên hành tinh (siêu bão) của chúng ta đã phát triển mạnh hơn đáng kể; và hình ảnh vệ tinh bão thu thập trong 40 năm cho thấy một hành tinh nóng lên có thể đang thúc đẩy những thay đổi rất lớn đối với các cơn bão và siêu bão.
Theo các dữ liệu, khả năng xảy ra một cơn bão phát triển thành siêu bão cấp 3 hoặc cao hơn theo thang đo bão khu vực Đại Tây Dương, với sức gió mạnh hơn 177 km mỗi giờ, đã tăng khoảng 8 % mỗi thập kỷ kể từ năm 1979 đến nay.
"Kết quả của chúng tôi cho thấy những cơn bão này đã trở nên mạnh hơn ở cấp độ toàn cầu và khu vực, phù hợp với dự đoán về cách các cơn bão phát triển trong một thế giới đang ngày càng nóng lên", nhà khoa học khí hậu James Kossin thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết.
Hình ảnh một người phụ nữ lau nước mắt tại một trung tâm nơi gần 10.000 người đang lánh nạn vì bão Harvey ở Houston, Mỹ. Ảnh: Michael Ciaglo / AP
Các nhà nghiên cứu khí hậu từ lâu đã nghi ngờ sẽ có sự gia tăng các cơn bão mạnh hơn, vì nhiệt độ đại dương ấm hơn và độ ẩm trong khí quyển có xu hướng cung cấp năng lượng cho những cơn bão này.
"Đó là một bước tiến củng cố niềm tin của chúng tôi về sự nóng lên toàn cầu đã làm cho các cơn bão mạnh hơn"- James Kossin nói. Không những thế, các cơn bão mạnh còn có xu hướng di chuyển chậm lại, hút nhiều năng lượng và độ ẩm gây mưa lớn hơn - Kerry Emanuel, một chuyên gia về bão không tham gia vào nghiên cứu, nói với tờ The Washington Post.
Cuối cùng, các tác giả thừa nhận có nhiều yếu tố khác, ngoài biến đổi khí hậu, góp phần vào cường độ bão. Tuy nhiên, dựa trên sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về sự nóng lên của nhà kính, dường như thực sự có " dấu vết của con người " về những thay đổi nhanh chóng và nguy hiểm này.
Mực nước biển tăng báo động
Đầu tháng 5/2020, 100 chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đưa ra cảnh báo: Mực nước biển có khả năng tăng cao tới 1,3 mét vào năm 2100 nếu bề mặt Trái Đất nóng thêm 3,5 độ C. Đến năm 2300, khi các dải băng bao phủ Tây Nam Cực và Greenland sụt giảm hàng nghìn tỷ tấn, mực nước biển có thể tăng hơn 5 mét theo kịch bản nhiệt độ đó, khiến đường bờ biển của hành tinh buộc phải vẽ lại.
Hiện nay, khoảng 10% dân số thế giới, tương đương 770 triệu người, ngày nay sống trên vùng đất thấp hơn 5 mét so với đường thủy triều lên.
Nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng hơn 1 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, một chuẩn mực được sử dụng rộng rãi để đo sự nóng lên toàn cầu.
Bão lũ mạnh hơn, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, nắng nóng sóng nhiệt có cường độ mạnh hơn và nước biển dâng cao hơn là minh chứng cho sự tàn phá nặng nề nhất của các tác động nóng lên toàn cầu.
Trong suốt thế kỷ 20, mực nước biển dâng cao được gây ra chủ yếu do sông băng tan chảy và sự mở rộng của nước biển khi nước ấm lên, nhưng trong 2 thập kỷ qua, chúng ta chứng kiến sự nóng lên toàn cầu khiến băng ở cả 2 cực đều sụt giảm mạnh mẽ. Băng ở Greenland và Tây Nam Cực từ năm 1992 đến năm 2017, đã mất khoảng 6,4 nghìn tỷ tấn.
Trong thập kỷ qua, mực nước biển đã tăng khoảng 4 milimet mỗi năm. Chuyển sang thế kỷ 22, mực nước biển có thể tăng nhanh hơn gấp 10 lần, ngay cả khi kịch bản phát thải khí nhà kính có diễn biến lạc quan đi nữa, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết.
Các nghiên cứu được công bố trên PNAS, The Lancet Planetary Health.
Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert, AFP
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.