Dỡ bỏ rào cản với phụ nữ
Saudi Arabia ra sắc lệnh Hoàng gia yêu cầu thành lập một cơ quan cấp bộ trong 30 ngày để cố vấn thực hiện việc cho phép phụ nữ lái xe. Lệnh cấm phụ nữ điều khiển phương tiện chính thức được dỡ bỏ vào ngày 24/6/2018, thông tấn SPA cho biết. Sắc lệnh Hoàng gia yêu cầu việc dỡ bỏ lệnh cấm phải “áp dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn cần thiết của Sharia” (Luật Hồi giáo).
Động thái này đã nhận được sự ủng hộ và hoan nghênh rộng khắp từ cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ - một trong những đồng minh lớn nhất của Saudi. Còn với phụ nữ Saudi, việc dỡ bỏ rào cản lịch sử này giúp họ có thể thực hiện các hoạt động thiết yếu nhất của cuộc sống thường nhật.
Trước đây, luật cấm phụ nữ lái xe gây bất tiện và cản trở nhiều sinh hoạt của nữ giới tại Saudi Arabia, chưa kể thực tế này còn gây ra lãng phí không đáng có.
Chẳng hạn, vì không được đi xe nên có người đành chịu gò bó trong nhà, làm nội trợ; Có người muốn đi làm thì chồng phải đưa đi, đón về hàng ngày. Một số gia đình khá giả, có nhiều tiền mới dám thuê lái xe riêng để đưa đón các thành viên nữ trong nhà.
Theo BBC, một số gia đình trung, thượng lưu ở Saudi Arabia còn thuê người ngoại quốc (chủ yếu từ Nam Á và Đông Nam Á) cung cấp chỗ ăn ở và bảo hiểm chỉ để lái xe phục vụ nữ giới trong gia đình. Ước tính có gần 1,4 triệu người nước ngoài đang làm tài xế phục vụ gia đình tại Saudi Arabia với mức lương trung bình 500 USD/tháng.
Phóng viên Frank Gardner đến từ BBC cho biết, lý do khiến quyết định này phải mất thời gian rất dài mới có thể dỡ bỏ là vi nhiều nhà bảo thủ tôn giáo cho rằng, “phụ nữ quá thấp kém để có thể lái xe” hay “việc cho phụ nữ lái xe sẽ dẫn đến sự lẫn lộn giới tính không thể chấp nhận được”.
Dù Chính phủ có chính sách hỗ trợ phương tiện công cộng cho phụ nữ nhưng còn gặp nhiều bất cập vì hệ thống phương tiện này ọp ẹp, bất tiện, không hiệu quả, gây khó khăn cho việc đi lại.
Các nhà hoạt động vì nữ quyền đã vận động để giành quyền tự điều khiển phương tiện cho nữ giới trong suốt 25 năm qua. Họ cũng đã từng kiến nghị lên Quốc vương Saudi Arabia hay tự lái xe và đăng các video lên mạng xã hội khiến rất nhiều nhà hoạt động bị bắt.
“Ngày hôm nay, đất nước cuối cùng trên thế giới đã cho phép phụ nữ lái xe. Chúng tôi đã làm được”, nhà hoạt động Manal al-Sherif, người từng bị bắt vào năm 2011 sau một cuộc biểu tình lái xe chia sẻ qua Twitter ngay sau thông báo.
Tạo ra nhiều lợi ích kinh tế
Sắc lệnh Hoàng gia cho phép phụ nữ lái xe được dự đoán có thể làm thay đổi lối sống của hàng triệu phụ nữ Saudi Arabia. Theo Reuters, có khoảng 10 triệu phụ nữ trên 20 tuổi bao gồm người nước ngoài đang sống tại quốc gia vùng Vịnh này. Không chỉ vậy, sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Saudi Arabia.
“Một số gia đình sẽ tiết kiệm được kha khá tiền đi lại hay thuê tài xế riêng. Nhiều phụ nữ có điều kiện được đi làm, từ đó giúp tăng thu nhập cho các gia đình thu nhập vừa hoặc thấp”, Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, ông Monica Malik nói.
Giám đốc điều hành tại Công ty Glowork, ông Khalid Alkhudair cho biết, vốn có 400.000 - 450.000 cơ hội việc làm mở ra cho phụ nữ trong ngành bán lẻ nhưng không nhiều phụ nữ có thể đi làm vì không có điều kiện đi lại.
Ngoài ra, Công ty Tư vấn năng lượng FGE ước tính, cứ tăng 10% hoạt động lái xe tại Saudi sẽ giúp tăng lượng tiêu thụ xăng nội địa lên 60.000 thùng/ngày. Theo nhà kinh tế trưởng Malik, động thái này cũng sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán ô tô trong vài tháng tới trước khi thuế giá trị gia tăng bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2018.
Sau thông báo sắc lệnh Hoàng gia, giá trị cổ phiếu của các công ty bảo hiểm ô tô cùng giá của công ty dịch vụ ô tô, công ty cho thuê ô tô cũng lập tức tăng dần.
Nhưng lợi ích to lớn nhất từ việc mở cửa cho phụ nữ đó chính là tăng cường mức độ tin cậy của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với Thái tử Mohammed bin Salman rằng ông sẵn sàng và có thể thúc đẩy đất nước phát triển thông qua cải cách kinh tế, xã hội.
“Việc quyết tâm thay đổi là rất rõ ràng khi một Saudi Arabia mới đang phát triển ngay trước mắt chúng ta”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh có trụ sở tại Riyadh, ông John Sfakianakis nhận định.