Bộ GTVT: 'Tăng lãnh đạo nhưng đúng quy định'

Thu Hằng |

Nhiều đơn vị của Bộ GTVT có số lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên và người lao động, thậm chí có nơi lãnh đạo nhiều gần gấp đôi nhân viên.

Chiều nay, đoàn giám sát của QH làm việc với Bộ GTVT về cải cách tổ chức bộ máy hành chính.

Phó chủ nhiệm UB Pháp luật QH Hoàng Thanh Tùng yêu cầu Bộ giải trình một số vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy của các đơn vị giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Có nơi lãnh đạo gấp đôi nhân viên

Ông Tùng yêu cầu Bộ cho biết vì sao trong lúc biên chế đang hạn hẹp thì tỷ lệ lãnh đạo/chuyên viên, người lao động ở một số đơn vị còn khá lớn.

Điển hình như Vụ Pháp chế có 6 lãnh đạo, 8 chuyên viên; Vụ Tổ chức cán bộ có 8 lãnh đạo, 14 chuyên viên, Cục Đường sắt 30 lãnh đạo, 72 chuyên viên. Nhiều đơn vị số lãnh đạo vượt cả số nhân viên.

Cụ thể, Thanh tra Bộ có đến 20 lãnh đạo quản lý, trong khi chỉ có 18 chuyên viên và người lao động. Hay như Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông số lãnh đạo nhiều hơn nhân viên 10 người (41/31).

Thậm chí như Cục Quản lý xây dựng đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lượng lãnh đạo quản lý gần gấp đôi nhân viên (28/15).

Giải thích về các con số trên, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cho biết: “Nhìn tổng thể thì thấy tỉ lệ lãnh đạo/chuyên viên khá cao nhưng nhìn từng cục, vụ bên trong có nhiều phòng và mỗi phòng chỉ có 1 trưởng phòng và 1 phó phòng nhân lên nghe thì tưởng nhiều nhưng đều đúng với quy định”.

Tăng đầu mối nhưng không tăng biên chế

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến tháng 2, cơ cấu tổ chức của Bộ có 22 cơ quan hành chính (gồm 12 vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, 1 tổng cục, 7 cục) và 27 đơn vị sự nghiệp. So với nhiệm kỳ trước, tăng 2 cơ quan hành chính và 6 đơn vị sự nghiệp.

Việc tăng thêm này cũng được đoàn giám sát “điểm huyệt” yêu cầu Bộ GTVT giải trình.

Thứ trưởng Công cho biết, thực chất của việc tăng này là do sắp xếp lại các tổ chức hiện có, chuyển một số đơn vị từ các cục về trực thuộc Bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

“Tăng thêm 2 cơ quan quản lý hành chính nhưng về biên chế không tăng, chỉ căn cứ vào biên chế Bộ Nội vụ cho phép, sau đó xem xét năng lực của từng cán bộ để điều tiết anh em làm việc phù hợp với năng lực”, Thứ trưởng Bộ GTVT giải thích.

Ông cũng nói thêm về việc tăng 6 đơn vị sự nghiệp là các BQL dự án chuyển nguyên trạng từ các tổng cục, cục về chứ Bộ không thành lập thêm nên cũng không làm tăng biên chế.

“Bộ GTVT đã xây dựng đề án tinh giản biên chế và biên chế đã giảm so với vài năm trước đây” - Thứ trưởng Công nhấn mạnh.

Bộ GTVT cũng thông tin thêm, năm 2016 khối hành chính đã giảm được 60 chỉ tiêu (3%) so với năm 2015. Ngoài ra, Bộ đã thẩm định, phê duyệt danh sách để tinh giản 19 công chức.

Đối với khối sự nghiệp đã giảm 838 chỉ tiêu (9,8%) và đã thẩm định, phê duyệt danh sách tinh giản 69 người...

Đánh giá chung về cải cách bộ máy hành chính, nhiều ĐB cho rằng Bộ GTVT đã có nhiều cải cách đáng ghi nhận.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại đánh giá công tác tổ chức cán bộ của Bộ GTVT là 1 trong những điểm nổi đáng được ghi nhận. Đặc biệt, từ việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo của Bộ GTVT đã đạt kết quả và được nhân rộng, nhiều Bộ, ngành khác học tập.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh cũng nhìn nhận trong những năm qua, Bộ GTVT luôn đứng trong top đầu về cải cách hành chính, sự sắp xếp bộ máy hợp lý, tinh gọn và không bị chồng chéo.

“Quản lý nhà nước và quản lý dịch vụ công đều được Bộ làm rất tốt. Thậm chí khi làm luật Hành chính công, tôi đã lấy hình mẫu là những cải cách của Bộ GTVT để nghiên cứu”, bà Khánh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại