Triển khai gói thầu đầu tiên trong năm 2018
Ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án cao tốc Bắc-Nam thực hiện bằng hình thức đầu tư công (Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) hiện cơ bản đáp ứng theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Trong đó, dự án Cao Bồ-Mai Sơn dự kiến hoàn thành công tác phê duyệt điều chỉnh dự án trong tháng 5/2018
Dự án Cam Lộ-La Sơn dự kiến sẽ hoàn thành công tác phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 5, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công cho gói thầu đầu tiên trong tháng 10.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động triển khai các công việc tiếp theo của dự án này, phấn đấu khởi công gói thầu đầu tiên trong năm 2018.
Còn với công tác chuẩn bị đầu tư dự án cầu Mỹ Thuận 2 hiện cũng cơ bản đáp ứng theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Ban Quản lý dự án 7 sẽ trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu khả thi dự án vào đầu tháng 7 và hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong tháng 9.
Liên quan đến tiến độ hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi của 8 dự án cao tốc Bắc-Nam thực hiện theo hình thức PPP, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (Bộ GTVT) đánh giá, với 3 dự án nhóm 1 đoạn Mai Sơn-Nghi Sơn và Dầu Giây-Phan Thiết, chỉ có dự án QL45 - Nghi Sơn đáp ứng tiến độ yêu cầu trình Bộ GTVT trong tháng 3, hai dự án còn lại (Mai Sơn - QL45 và Dầu Giây- Phan Thiết) tiến độ trình Bộ GTVT chậm khoảng 1 tháng so với yêu cầu.
“Đối với 5 dự án nhóm 2, có hai dự án đoạn Nghi Sơn-Bãi Vọt dự kiến trình Bộ GTVT ngày 16/5.
Còn lại 3 dự án đoạn Nha Trang - Phan Thiết do phải điều chỉnh hướng tuyến, các Ban QLDA cam kết trình Bộ GTVT khoảng cuối tháng 5”, ông Huy cho biết.
3 tiêu chí chọn nhà thầu
Liên quan đến vấn đề liệu có hiện tượng xin-cho trong việc giao dự án cao tốc Bắc-Nam hay không, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Việc giao các dự án cao tốc Bắc-Nam cho các đơn vị được Bộ GTVT thực hiện công tâm, khách quan chứ không có chuyện xin-cho trong việc giao các dự án này”.
Theo đó, việc giao các dự án cao tốc Bắc-Nam cho các ban QLDA thực hiện được căn cứ dựa trên 3 tiêu chí gồm:
Thứ nhất, Bộ GTVT ưu tiên những ban QLDA đã tham gia nghiên cứu dự án từ những năm trước bởi "nếu giao dự án cho ban QLDA mới sẽ không thể làm được".
Thứ hai, căn cứ vào năng lực, uy tín của các ban QLDA vì đây là tuyến đường cao tốc trọng điểm của quốc gia.
Những ban QLDA đã có uy tín với Bộ GTVT qua những công trình trọng điểm từng triển khai như QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, thể hiện được năng lực điều hành tốt, được Bộ GTVT đánh giá cao cũng sẽ được ưu tiên giao nhiệm vụ tại các dự án cao tốc Bắc-Nam.
Thứ ba, căn cứ vào các công trình giao thông nằm ở những địa bàn khác, nguồn vốn khác ngoài dự án cao tốc Bắc-Nam để Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho các ban QLDA.
Liên quan đến tiến độ chuẩn bị triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ Đối tác công-tư (PPP) phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện văn bản về cơ chế chính sách đặc thù của dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông phục vụ kỳ họp sắp tới của Chính phủ.
Trước đó, tại cuộc họp về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 hồi tháng 1/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT phải khẳng định quan điểm tuyệt đối không chỉ định thầu, thay vào đó phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực triển khai các gói thầu đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng hiệu quả kinh tế, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Giai đoạn 2017-2020, Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư 654 km cao tốc Bắc Nam, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ, Nam Định đến Bãi Vọt, Hà Tĩnh; từ Cam Lộ, Quảng Trị đến La Sơn, Thừa Thiên-Huế; từ Nha Trang, Khánh Hòa đến Dầu Giây, Đồng Nai, Cầu Mỹ Thuận 2, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Trong 11 dự án có 3 dự án vốn ngân sách và 8 dự án vốn xã hội hóa. Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án nêu trên khoảng 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.