Đó là một trong các nội dung được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu lên trong văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) liên quan đến triển khai Dự án thành phần 3 - sân bay Long Thành (Đồng Nai) giai đoạn 1.
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành.
Cụ thể, với việc đấu thầu tìm nhà thầu thi công gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành (Gói thầu 5.10), Bộ GTVT đề nghị ACV, với vai trò chủ đầu tư, phải tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của liên danh dự thầu theo quy định; không để phát sinh kiến nghị, khiếu nại kéo dài và vượt cấp.
5 sân bay của Việt Nam đã có cổng kiểm soát tự động xuất, nhập cảnh
Bộ GTVT cũng yêu cầu ACV khi báo cáo tiến độ công trình phải có đầy đủ thông tin về quy mô, phạm vi, giá trị các gói thầu, nhằm đánh giá được tổng thể tiến độ dự án; xây dựng tiến độ cụ thể từng hạng mục để có cơ sở kiểm điểm, đôn đốc tiến độ; các nội dung đã thực hiện, chưa thực hiện, khó khăn vướng mắc phát sinh…
ACV cũng được Bộ GTVT giao nghiên cứu thuê tư vấn nước ngoài hỗ trợ quản lý dự án để đảm bảo tiến độ chung của công trình sân bay; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán đối với các hạng mục còn lại.
Đối với việc đấu thầu, đàm phán hợp đồng trước khi ký, Bộ GTVT lưu ý ACV phải yêu cầu nhà thầu bố trí nhân sự có năng lực, kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại phù hợp với tính chất gói thầu và tiến độ thực hiện. Trong hợp đồng phải ràng buộc chặt chẽ các điều khoản thưởng/phạt liên quan đến chất lượng và tiến độ thực hiện, tránh khiếu kiện về sau. ACV xem xét, đề xuất xây dựng các cơ chế đặc thù (nếu thấy cần thiết) kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận làm cơ sở tổ chức thực hiện theo quy định.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, gói thầu 5.10 thuộc dự án thành phần 3, Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang bị chậm tiến độ. Sau đấu thầu lần 1 không thành công do chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu thi công xây dựng nhà ga sân bay Long Thành, trong khi hồ sơ không đáp ứng yêu cầu, lần thứ 2 đã có 3 nhóm nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Các liên danh này gồm Hoa Lư (Hoa Lu Consortium); Vietur (Vietur Consortium) và CHEC - BCEG - Vietnam Contractors/CHEC - BCEG - Vietnam Contractors Consortium.
Đầu tháng 8, sau khi ACV công bố chỉ có liên danh Vietur vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật để vào vòng xét tài chính, liên danh Hoa Lư đã có kiến nghị "khẩn cấp" gửi nhiều cấp lãnh đạo, quản lý, cơ quan và chủ đầu tư. Trong đó, "người khiếu nại" là liên danh Hoa Lư cho rằng mình có bằng chứng cho thấy thành viên đứng đầu của Liên danh Vietur đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 5.10, đồng thời kiến nghị dừng mở hồ sơ đề xuất tài chính.
Phía ACV sau đó đã có công văn phản hồi, khẳng định tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu đã đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật căn cứ các tiêu chí, yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định, bảo đảm tính khách quan, công bằng, minh bạch. Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đã được chủ đầu tư phê duyệt căn cứ kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đã được thẩm định.
ACV cũng cho rằng do đang trong giai đoạn xét thầu, các thông tin liên quan được bảo mật theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Do đó, thư kiến nghị của liên danh Hoa Lưu gửi đến nhiều cấp lãnh đạo, quản lý, cơ quan và chủ đầu tư là chưa phù hợp với quy trình giải quyết kiến nghị, đề nghị liên danh Hoa Lư tuân thủ nghiêm quy định của Luật Đấu thầu.
Theo quy định pháp luật hiện hành, các văn bản kiến nghị của nhà thầu trước tiên cần được gửi đến chủ đầu tư, bên mời thầu. Chủ đầu tư, bên mời thầu là ACV có trách nhiệm trả lời liên danh nhà thầu Hoa Lư trong 7 ngày làm việc. Trong trường hợp liên danh nhà thầu Hoa Lư không đồng ý với kết quả giải quyết của ACV thì có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền trong 5 ngày làm việc kế tiếp.
Trong trường hợp ACV công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10, nếu liên danh nhà thầu Hoa Lư thấy quyền lợi bị ảnh hưởng thì có quyền tiếp tục kiến nghị tới chủ đầu tư, bên mời thầu và có quyền khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi.
Dự kiến, trong tháng 8 này, ACV sẽ hoàn thành việc xét thầu gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành, nếu nhà thầu duy nhất vượt qua vòng tài chính sẽ thực hiện đàm phán, ký hợp đồng và khởi công ngay trong tháng 8 này.
Gói thầu 5.10 có giá trị hơn 35.000 tỉ đồng - lớn nhất Dự án sân bay Long Thành. Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỉ đồng (hơn 4,6 tỉ USD), công suất 25 triệu hành khách/năm, mục tiêu phục vụ chuyến bay cất/hạ cánh đầu tiên vào ngày 2-9-2025. Dự án chia thành 4 dự án thành phần; trong đó Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu của cảng hàng không (nhà ga hành khách, đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà xe, tuyến giao thông kết nối…) giao cho ACV làm chủ đầu tư.
Trước đó, ngày 12-7-2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về triển khai Gói thầu 5.10, thuộc dự án thành phần 3, Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 không đáp ứng được tiến độ dự án theo yêu cầu của Quốc hội. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo quyết liệt ACV để sớm lựa chọn được nhà thầu phù hợp.