Bộ GTVT bác thông tin đề xuất Thủ tướng tăng phí BOT

Đình Quang |

Bộ GTVT vẫn đang nghiên cứu phương án xử lý bất cập tại một số dự án BOT giao thông sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu...

Đang xin ý kiến bộ, ngành, địa phương

Vừa qua, một số báo đăng tải thông tin Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ hai phương án tăng phí đối với các dự án BOT giao thông. Trong đó, phương án một là tăng phí đối với 49 dự án trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021.

Phương án 2, giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí 49 dự án theo hợp đồng từ năm 2022.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định: “Bộ GTVT chưa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng phí đối với các dự án BOT như một số phương tiện truyền thông phản ánh mà đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc sụt giảm doanh thu của các dự án BOT giao thông.

Sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng giải pháp rồi mới báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định phương án xử lý cụ thể.

Đây cũng là việc làm thường xuyên đối với các hợp đồng BOT mà Bộ GTVT đã ký”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Chia sẻ với Báo Giao thông, lãnh đạo Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cũng khẳng định: “Thông tin một số báo phản ánh Bộ GTVT đề xuất hai phương án tăng phí đối với các dự án BOT giao thông thực chất chỉ là dự thảo báo cáo để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Sau khi có ý kiến đầy đủ của cơ quan chức năng, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét phương án phù hợp rồi mới trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

Trước đó, ngày 13/11/2018, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản 430, thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT giao thông.

Đối với các dự án có sự sụt giảm doanh thu so với tài chính ban đầu, Thủ tướng cho rằng, đây là các dự án cần phải đánh giá kỹ, toàn diện các nguyên nhân, từ đó nêu rõ các giải pháp phù hợp, khả thi.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xem xét kỹ từng trường hợp, thống nhất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án này, nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh cũng như quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người dân.

Giảm giá vé tại 39 dự án BOT

Lãnh đạo Vụ Đối tác công tư cũng cho biết, theo quy định trong các hợp đồng dự án BOT, mức thu phí của mỗi dự án phù hợp với khung mức phí quy định tại Thông tư số 159/2013 của Bộ Tài chính với lộ trình tăng phí dự kiến 3 năm tăng một lần, mỗi lần tăng từ 12-18%.

Mức phí tại các trạm đều được sự đồng thuận của địa phương và được Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí riêng cho từng trạm trước khi thu phí.

Để xử lý bất cập tại các dự án BOT, thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư giảm phí cho người dân quanh trạm trong bán kính từ 5 - 10km.

Cụ thể, trong 59 dự án BOT đang vận hành, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã giảm giá vé tại 48 dự án BOT, 5 dự án không giảm do mức phí thấp không ảnh hưởng đến chi phí vận tải của người dân, còn lại 6 dự án công trình hầm, cầu và cao tốc có sự lựa chọn cho người dân, không có bất cập nên không giảm phí.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo 107 ngày 27/5/2016 và Thông báo 321 ngày 5/5/2017, Bộ GTVT chưa thực hiện việc tăng phí theo lộ trình như quy định trong hợp đồng của các dự án BOT.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá đối với nhóm xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 fit) từ mức 140.000 đồng xuống 120.000 đồng/lượt và nhóm xe loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit) từ mức 200.000 đồng xuống 180.000 đồng/lượt tại 39 dự án BOT.

Lãnh đạo Vụ PPP cho biết thêm, năm 2018, trong số 52 dự án BOT đã đưa vào vận hành, khai thác có 26 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sụt giảm doanh thu tại các dự án BOT nhưng chủ yếu là do sụt giảm lưu lượng xe, nhiều trạm BOT phải giảm mức phí chung các loại xe, miễn giảm giá vé cho người dân xung quanh trạm thu phí và chưa được tăng phí theo đúng lộ trình trong hợp đồng BOT.

“Đối với các dự án này, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời, có thể kéo theo một số hệ lụy như phá vỡ phương án tài chính, các khoản vay đầu tư BOT sẽ thành nợ xấu, ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, đặc biệt trong việc kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai thực hiện”, lãnh đạo Vụ PPP chia sẻ và cho biết, theo lộ trình, tính đến hết năm 2019, có khoảng 37 dự án phải tăng phí (trong đó năm 2018 có 2 dự án, năm 2019 có 35 dự án), năm 2020 có 10 dự án, năm 2021 có 2 dự án, các dự án còn lại cơ bản tăng phí sau năm 2021.

“Hiện Bộ GTVT đang tổng hợp ý kiến của bộ, ngành, địa phương liên quan để tiếp tục nghiên cứu giải pháp tối ưu trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, lãnh đạo Vụ PPP nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại