Tại cuộc họp các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến làm rõ những vấn đề liên quan đến việc Hà Nội dự kiến đục thông 127 ô vòm cầu đường sắt trên phố Gầm Cầu, Phùng Hưng (phường Đồng Xuân), quận Hoàn Kiếm) để cải tạo thành các không gian văn hóa.
127 vòm cầu đường sắt ở chân đế của bờ trụ bê tông đỡ ray đường sắt cho tàu di chuyển từ Ga Hà Nội - Ga Đầu Cầu (Ga Long Biên) được xây dựng từ thời Pháp.
Trước đây các vòm cầu này rỗng, nhưng sau đó do tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự tại khu vực, nên thành phố Hà Nội đã cho xây bịt kín.
Các đại biểu của Bộ GTVT thống nhất với UBND TP Hà Nội về việc khôi phục các vòm cầu kể trên. Tuy nhiên, Bộ GTVT lưu ý, đoạn đường này liên quan đến tuyến đường sắt đô thị số 1 nên cần chú ý để tránh xung đột.
Đại diện Bộ GTVT đề nghị TP Hà Nội khi thi công cần tính toán chịu lực để đảm bảo an toàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để thực hiện kế hoạch trên, quận Hoàn Kiếm đã mời các chuyên gia tư vấn Pháp đưa ra những đánh giá chung liên quan đến các vòm cầu.
Trước mắt, Hà Nội sẽ thí điểm đục thông một vòm để đánh giá kỹ trước khi thực hiện. 127 vòm cầu sẽ tạo ra 3.600 m2, là không gian phục vụ đi bộ, hoạt động nghệ thuật.
Trước đó, thông tin về đề xuất đục thông 127 vòm cầu đường sắt bị bịt từ những năm 70 được Chủ tịch TP Hà Nội tiết lộ tại Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ: Cầu dẫn bằng đá bắt đầu từ phố Phùng Hưng và Gầm Cầu lên đến ga Long Biên có chiều dài 1,2km, xây bằng đá xanh Thanh Hóa.
Cầu dẫn có 131 vòm cầu, đỉnh vòm cao từ 3,5 m đến 4,5m được xây dựng trong 2 năm (1900 -1902).
Trong kháng chiến cứu nước, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hành khách và tiếp nhận hàng hóa viện trợ quân sự - dân sự, các tuyến đường lắp thêm đường ray thứ 3 để mở rộng đường tầu từ 1m lên 1,45m. Các vòm rỗng được sửa chữa gia cố bằng cách xây tường đặc đỡ dưới vòm.
Năm 1971, sông Hồng lũ lớn, nước ngập trắng bãi Phúc Xá, Phúc Tân, An Dương, Chương Dương… người dân chạy lụt vào nội thành, tá túc trong các vòm cầu từ phố Gầm Cầu đến phố Phùng Hưng.
Khi nước rút, nhiều người dân tá túc luôn trong các vòm cầu do nhà cửa đã bị lũ cuốn trôi. Sau đó, để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực này, thành phố đã cho xây bịt kín.
Kiến trúc sư Ánh khẳng định: "Đây là một ý tưởng táo bạo, mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống đô thị , đặc biệt là tại khu vực đường Phùng Hưng và phố Gầm Cầu…
Tuy vậy để triển khai ý tưởng này cần có thời gian nghiên cứu cẩn trọng , với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực , đặc biệt là có ý kiến của Bộ GTVT , cơ quan có trách nhiệm tực tiếp quản lý tuyến đường sắt từ ga Hà Nội đi lên phía bắc qua cầu dẫn lên cầu Long Biên.
Đây là dự án khó mà các cấp, các ngành từ TW đến địa phương cùng chung tay vì tương lai Hà Nội phát triển bền vững".
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: UBND quận Hoàn Kiếm đang tiến hành khảo sát, xin ý kiến các chuyên gia về phát huy giá trị di sản 131 vòm cầu đoạn từ phố Phùng Hưng đến ga Đầu Cầu (ga Long Biên).
Hiện có 4 vòm cầu đã được khơi thông để làm đường đi, 127 vòm cầu còn lại sẽ được khôi phục, tạo thành không gian tổ chức các hoạt động nghệ thuật, hội họa… như phố Sách 19/12, phố đi bộ quanh Hồ Gươm.
Nơi đây hứa hẹn trở thành một điểm nhấn văn hóa của người dân Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.