Bộ Giáo dục nói gì trước hiện tượng “30 điểm mới đỗ đại học”?

Thu Phương – Huyền Thanh |

Các trường sẽ xét tuyển theo điểm thi từ cao đến thấp. Do giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh nên việc thí sinh có điểm thi thấp hơn các thí sinh khác không trúng tuyển là việc tất yếu có thể xảy ra, mặc dù thí sinh có điểm thi cao hoặc rất cao.

Tính đến chiều 5/10, hàng trăm trường đại học trên toàn quốc đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2020. Năm nay, điểm chuẩn trúng tuyển tăng mạnh, đặc biệt là các ngành “hot” của trường top đầu. Cá biệt, điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất lại rơi vào một số ngành khối C với mức điểm 30 điểm, điều vốn rất hiếm khi xảy ra kể từ trước đến nay. Mức điểm chuẩn đó có gì bất thường?

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về vấn đề này.

Bộ Giáo dục nói gì trước hiện tượng “30 điểm mới đỗ đại học”? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học.

PV: Đề nghị bà cho biết sơ bộ về kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020 đợt 1? Trong đợt xét tuyển này, bao nhiêu trường đã tuyển đủ chỉ tiêu, bao nhiêu trường phải tiếp tục xét tuyển bổ sung?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Năm 2020, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là 642.945, giảm 1,46% so với năm 2019. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là gần 2,5 triệu, giảm 3,14% so với năm 2019. Tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng sư phạm đến khi xét tuyển là 567.929. Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là 351.849, xét tuyển bằng các phương thức khác là 216.080 chỉ tiêu.

Theo kết quả xét tuyển đại học đợt 1, sơ bộ có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 205 đơn vị (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh). Số liệu này phản ánh công tác tuyển sinh 2020 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả…giảm được áp lực cho các đợt tuyển sinh bổ sung.

Sau kết quả xét đợt 1, có khoảng 83 trường (chủ yếu là các trường ngoài công lập, các trường thuộc tỉnh, các trường ở vùng sâu, vùng xa, các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non) chiếm tỷ lệ 26,95% các trường có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ 15/10 cho đến hết năm 2020, sau đó báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 28/2.

PV: Đợt xét tuyển đại học năm nay ghi nhận nhiều ngành có điểm chuẩn trúng tuyển cao chót vót, đơn cử như ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) điểm chuẩn là 30 điểm. Đây có phải là hiện tượng bất thường không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm trúng tuyển vào một ngành có thể cao hoặc rất cao, ví dụ như ngành Hàn Quốc học của trường ĐHKHXHNV, có một số nguyên nhân như chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít hoặc rất ít, trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký đông. Trong khi đó, các chỉ tiêu đã dành một phần cho tuyển bằng các phương thức khác không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu là phục vụ công tác xét tốt nghiệp, đồng thời với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019, và do vậy, điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.

PV: Hiện có rất nhiều thí sinh đạt 25, 26 điểm nhưng đều trượt hết các nguyện vọng đến thời điểm này. Các em rất hoang mang, lo lắng. Bà có lời khuyên gì với các thí sinh này?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, các ngành. Bộ GD&ĐT cũng đã thường xuyên khuyến cáo, truyền thông qua các kênh để các em thí sinh lưu ý điểm này khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT. Tuy nhiên, một số thí sinh chỉ đăng ký 1 (hoặc rất ít) nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn.

Về nguyên tắc, các trường sẽ xét tuyển theo điểm thi từ cao đến thấp (không phân biệt thứ tự nguyện vọng của thí sinh, trừ các thí sinh có cùng điểm thi ở cuối danh sách). Do giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh nên việc thí sinh có điểm thi thấp hơn các thí sinh khác không trúng tuyển là việc tất yếu có thể xảy ra, mặc dù thí sinh có điểm thi cao hoặc rất cao.

PV: Các thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 liệu có hy vọng vào các đợt xét tuyển bổ sung không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm, đợt 1 xét tuyển chung cũng chỉ là một trong các đợt xét tuyển của các trường. Các trường căn cứ vào số lượng các thí sinh xác nhận nhập học, xem xét các chỉ tiêu tuyển sinh còn lại trong năm 2020 để quyết định có xét tuyển bổ sung nữa hay không (ở các đợt tiếp theo).

Nếu xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ (lưu ý điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1), thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển, và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thí sinh có thể căn cứ vào các thông tin này để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh, hoặc theo quy định của từng trường); thí sinh cũng có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường, đặc biệt là các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên có tuyển bổ sung các đợt sau, tạo điều kiện cho các em thí sinh có điểm thi THPT tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1. Ngoài ra, các em thí sinh còn có cơ hội tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại