Bộ GD&ĐT xin rút, không biên soạn SGK

NGHIÊM HUÊ |

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã xin rút, không biên soạn một bộ SGK như Nghị quyết yêu cầu.

Nghị quyết 88 của Quốc hội nêu rõ: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch biên soạn một bộ SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Do nguồn vốn để viết SGK vay của Ngân hàng Thế giới (WB, 16 triệu đô la) nên theo quy định việc tuyển chọn tác giả SGK phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi.

Ngay sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới (tháng 12/2018), Bộ GD&ĐT đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả, trong đó nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn SGK; tới thời điểm Bộ GD&ĐT mời thầu, các nhà xuất bản đã có một số bản mẫu SGK lớp 1 được chuẩn bị gần như hoàn tất, sẵn sàng để thẩm định và phê duyệt đưa vào sử dụng.

Đến ngày 26/2 vừa qua, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức đấu thầu lần 2 để tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ SGK, tuy nhiên, việc thương thảo để ký hợp đồng chưa thành công do các tác giả yêu cầu nhuận bút lâu dài, Bộ GD&ĐT không đáp ứng được.

Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, các nhà xuất bản đang tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK lớp 2, lớp 6 để thẩm định trong năm 2020, đồng thời tiếp tục tổ chức bản thảo và hoàn thiện bản mẫu SGK các lớp còn lại để thẩm định trong các năm tiếp theo đáp ứng lộ trình thực hiện chương trình, SGK mới.

Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT không trực tiếp tổ chức biên soạn một bộ SGK cũng sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển xã hội hóa biên soạn SGK, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà xuất bản.

Chính vì vậy ông Nhạ thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và trường hợp đã có ít nhất 1 bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ GD&ĐT phê duyệt thì Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn một bộ sách (sử dụng ngân sách nhà nước) nữa.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lý giải thêm khi đưa vấn đề Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK vào Nghị quyết 88 đã có luồng ý kiến cho rằng việc Bộ tổ chức biên soạn một bộ SGK không hẳn là tốt nhất.

Vì khi đó các trường sẽ có thiên hướng chọn bộ sách của Bộ mà không chọn sách của các tổ chức, cá nhân. Như vậy, sẽ ảnh hưởng không tốt đến chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK.

“Nhưng vì chúng ta đặt ra yêu cầu chủ động trên mọi tình huống nên đã chấp nhận phương án Bộ tổ chức biên soạn một bộ sách.

Về việc này, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao và yêu cầu Bộ thường xuyên liên hệ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng quốc hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo Phó Thủ tướng, thực tiễn thời gian qua cho thấy không cần dùng ngân sách nhà nước để biên soạn SGK.

“Nhưng tôi đồng ý với quan điểm là cần đề phòng trường hợp bất khả kháng khi xã hội hóa biên soạn SGK không thuận lợi như hiện nay. Lúc đó, Quốc hội quyết định giao cho Thủ tướng để chỉ đạo”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Kết luận nội dung về SGK tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội không đặt ra vấn đề sửa đổi nghị quyết nhưng có thể linh hoạt khi thực hiện.

Do đó, có thể ghi rõ các nhiệm vụ từ nay trở đi đối với Bộ GD&ĐT khi thực hiện Nghị quyết 88.

Với khoản tiền 16 triệu đô la dự kiến để biên soạn 1 bộ SGK hiện nay chưa dùng đến vẫn trong tài khoản của Ngân hàng thế giới, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị giao cho Chính phủ quản lý và sử dụng sao cho hiệu quả theo đúng luật ngân sách. Theo bà Tòng Thị Phóng, nếu không phải sử dụng đến cũng tốt.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ GD&ĐT trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và cho rằng, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tập trung nhiều cho việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 88 và đạt được những kết quả rất tích cực, nhất là việc ban hành CT GDPT tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và việc xã hội hóa biên soạn SGK.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chưa bao quát và dự đoán hết tình hình thực tế và cũng chưa báo cáo kịp thời với Quốc hội để bảo đảm việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 88 một cách tốt nhất


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại