Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ vấn đề khủng hoảng thừa thiếu giáo viên hiện nay là bài toán khó đặt ra với công tác tuyển sinh của ngành sư phạm.
Những vấn đề về lương, dư thừa giáo viên trong thời gian qua sẽ khó để đảm bảo ngành sư phạm tuyển được người giỏi nhất.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vấn đề mấu chốt trong tuyển sinh ngành sư phạm là cần giải quyết được vấn đề đầu ra cho sinh viên sư phạm.
Nếu học xong có việc làm, chế độ đãi ngộ tốt thì sẽ thu hút được người giỏi vào ngành. Tuy nhiên, vấn đề việc làm, đãi ngộ cho giáo viên lại phụ thuộc rất nhiều vào việc tuyển dụng của địa phương.
Bộ trưởng Giáo dục thông tin, vừa qua Bộ đã làm việc với các địa phương, rà soát nhu cầu giáo viên các cấp, để tính toán, khắc phục tình trạng đào tạo không đi liền với nhu cầu và nâng cao chất lượng đào tạo.
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng khẳng định thời gian tới kiên trì kiến nghị Chính phủ nâng lương cho giáo viên, để giáo viên có thể sống được bằng lương.
Bộ mong được các cấp, các ngành ủng hộ, quan tâm đến giáo viên thiết thực hơn bằng việc tăng lương cho các thầy cô giáo.
Ngoài vấn đề tuyển sinh của ngành sư phạm, trong buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu Bộ GDĐT xử lý tổ hợp tuyển sinh "lạ" mà báo chí phản ánh thời gian qua.
Ông Mai Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng mong Bộ Giáo dục có giải pháp khắc phục vấn đề tuyển sinh vì vừa qua một số trường đại học công bố tổ hợp tuyển sinh khối C vào các ngành kỹ thuật, tài chính kế toán.
Bộ GDĐT cần cân nhắc, xem xét kỹ, mặc dù đã tự chủ tuyển sinh nhưng cần tránh hiện tượng các trường tìm cách tuyển lấp đầy sinh viên, tuyển sinh bằng mọi giá dẫn đến chất lượng thấp.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ GDĐT khẳng định, sau khi rà soát, Bộ sẽ công bố minh bạch về việc những trường nào không thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh.
Cũng liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, quy định của Bộ đã nêu rõ các trường khi xây dựng tổ hợp tuyển sinh mới phải phù hợp yêu cầu với ngành đào tạo, ít nhất phải có một môn Toán, Ngữ văn và mỗi ngành đào tạo không có quá 4 tổ hợp.
Khi phát hiện các trường có tổ hợp lạ để xét tuyển, Bộ đã trao đổi và thông báo các trường được tự chủ trong tuyển sinh nhưng phải có trách nhiệm giải trình.
Nếu trường nào không thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh, bất chấp tuyển cả những tổ hợp không liên quan đến ngành đạo tạo thì Bộ sẽ kiểm tra, xử lý để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.