Bộ GD&ĐT chính thức nêu quan điểm về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục

PV |

Quan điểm của Bộ GD&ĐT về việc triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục vừa được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nêu, Trung tâm Truyền thông Giáo dục – Bộ GD&ĐT cho biết.

Cụ thể, theo thông tin vừa được Cổng thông tin điện tử Bộ GD&ĐT đăng tải hôm nay, ngày 8/9/2018, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS. TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.

Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008 - 2009 đến năm học 2016 - 2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.

Đến cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của Đại biểu quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGD) nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo. Nhiệm vụ này do GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam chủ trì.

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện KHGD Việt Nam đã đánh giá việc triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả Tài liệu TV1- CNGD.

Trong báo cáo, Viện KHGD Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Tài liệu để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Trong 2 năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu TV1- CNGD. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá Tài liệu TV1- CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học, theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ GD&ĐT. Tài liệu TV1- CNGD đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo Kết luận của Hội đồng thẩm định.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai Tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017 - 2018 và năm học 2018 - 2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT nêu rõ, Tài liệu TV1-CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.

“Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo Chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp”, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết thêm.

Liên quan đến Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là kết quả nghiên cứu một số nhà khoa học đứng đầu là GS. TSKH Hồ Ngọc Đại đang “gây bão” trên mạng xã hội những ngày vừa qua, từ góc nhìn của chuyên gia CNTT đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng giáo dục STEM (phương pháp giáo dục trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học – PV), ông Nguyễn Thế Trung , Chủ tịch Công ty Công nghệ DTT nhấn mạnh, dạy Tiếng Việt thực nghiệm khác biệt hoàn toàn với giáo dục STEM .

Thẳng thắn thừa nhận mình không nghiên cứu, am hiểu sâu về công nghệ giáo dục, tuy nhiên qua xem clip phần trả lời của GS Hồ Ngọc Đại, ông Nguyễn Thế Trung cho rằng, có một lỗ hổng của phương pháp dạy Tiếng Việt mới được thầy Đại đưa ra, đó là dạy chữ viết, dạy tiếng được công nghệ hoá như dạy logic hình thức có thể làm nhanh đạt được “Biết”, nhưng bù lại mất đi khả năng về cái “Không Biết”. Loài người tiến lên nhờ vào cái “Biết” nhưng tiến hoá nhờ vào cái “Không Biết”, vì thế năng lực đối diện với cái “Không Biết” là năng lực sinh tồn quan trọng cần được tạo lập cho trẻ từ bé.

“Quá chắc chắn về phương pháp hay công nghệ dạy về cái Biết trong khi lĩnh vực Ngôn ngữ còn nằm ở phần “Không Biết” có thể nguy hiểm. Sự khác biệt giữa STEM và dạy Thực nghiệm là trong STEM đối tượng tham gia thực hành là học sinh và tất cả những bên liên quan, chứ không chỉ giáo viên với học sinh vì thế nó mở rộng cái Biết về cái “Không Biết” “, ông Nguyễn Thế Trung nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại