Bộ đôi quyền lực Nga-Trung Quốc và những mối liên kết không thể tách rời

Hồng Anh |

Về cơ bản, lợi ích của Nga nằm ở việc duy trì quan hệ thân thiện và hữu nghị với Trung Quốc, chính vì thế Moscow đã củng cố quan hệ này trong suốt 3 thập kỷ qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Brazil hồi tháng 11/2019. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Brazil hồi tháng 11/2019. Ảnh: Reuters

Thách thức và cơ hội trong quan hệ Nga-Trung Quốc

Những năm gần đây, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc thường xuyên được mô tả là đạt đến một “cấp độ cao chưa từng có”. Trong cuộc điện đàm cuối tháng 12/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã ca ngợi quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược giữa hai nước, đồng thời cho rằng quan hệ song phương đang ở thời kỳ “tốt nhất trong lịch sử”. Năm 2021 cũng là năm Nga và Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ngày ký kết Hiệp ước Láng giềng tốt, Hữu nghị và Hợp tác, đóng vai trò nền tảng đối với một quan hệ ngày càng được củng cố trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Nga đang bán một số loại vũ khí tiên tiến nhất của nước này (như máy bay chiến đấu Su-35) cho Trung Quốc. Dù được thúc đẩy một phần bởi mục đích thương mại nhưng thỏa thuận này cũng là dấu hiệu cho thấy sự gắn bó khăng khít trong quan hệ song phương. Được sự khuyến khích của Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình, hai bên đã khai phá sự hợp tác trong những lĩnh vực mới, trong đó phải kể đến các dự án công nghệ cao như xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân mới sử dụng công nghệ của Nga ở Trung Quốc. Hai nước cũng sẽ hợp tác trong dự án phát triển mẫu máy bay chở khách CR929 mới và hướng tới việc xây dựng một trạm vũ trụ trên Mặt Trăng.

Bất chấp những dấu hiệu tích cực này, một số học giả và nhà bình luận đã chỉ ra những thiếu sót và vấn đề còn tồn tại trong quan hệ Nga-Trung . Tiến sĩ Marcin Kaczmarski thuộc Đại học Glasgow cho rằng, sự liên kết này không hoàn toàn vững chãi. Dù chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới đa cực và vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc cùng nhiều vấn đề khác, nhưng vị thế khác nhau của hai nước trong hệ thống quốc tế sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng và hành vi của họ. Là một cường quốc có tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào toàn cầu hóa, Trung Quốc quan tâm đến sự ổn định nhiều hơn Nga.

Ngoài ra, những vấn đề như sự chênh lệch về quyền lợi và vị thế giữa các bên có thể ngăn cản hợp tác trong tương lai. Một số nhà chính trị tại Nga lo ngại rằng, nếu Nga phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc thì nước này có thể buộc phải chấp nhận sự nhượng bộ mà họ không mong muốn, chẳng hạn như cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ cổ phần lớn trong các dự án năng lượng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ dè dặt với Nga nếu Bắc Kinh cho rằng họ đang bị kéo vào một cuộc đối đầu không mong muốn với phương Tây.

Mối liên kết không dễ tách rời

Một số ý kiến cho rằng, Mỹ có thể tận dụng sự khác biệt giữa Nga và Trung Quốc để tạo ra tình huống có lợi cho nước này. Một bài bình luận đăng tải trên tờ Washington Post thời gian gần đây đã chỉ ra những vấn đề trong quan hệ Trung - Nga, chẳng hạn như mâu thuẫn giữa hai bên liên quan đến vấn đề biên giới trước và trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, việc Nga cáo buộc Bắc Kinh sao chép trái phép nhiều công nghệ vũ khí của nước này, và quan trọng nhất là sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Trung Á – khu vực từng nằm dưới tầm ảnh hưởng của Nga trong lịch sử. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức hơn nữa, gây trở ngại trong việc chia sẻ thông tin giữa hai bên và buộc Nga phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc trong giai đoạn đầu.

Ông John J. Mearsheimer – học giả theo chủ nghĩa tân cổ điển tại Đại học Chicago khuyến nghị rằng, chính quyền Tổng thống Biden cần phải từ bỏ lập trường cứng rắn và tìm cách gắn kết với Nga. Học giả này dự đoán, sự phát triển quyền lực của Trung Quốc có thể khiến Nga lo ngại và sớm hay muộn Moscow cũng sẽ tìm kiếm một liên minh với Mỹ đề kiềm chế nước láng giềng Trung Quốc.

Cách đánh giá như vậy dựa trên lập luận rằng khi tình hình địa chính trị thay đổi, sự trỗi dậy của những cường quốc mới sẽ thúc đẩy các cường quốc khác thực hiện những hành động phù hợp để đảm bảo vị thế của họ. Chẳng hạn như, tại khu vực Á-Âu, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ khiến Nga phải cảnh giác đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định rút toàn bộ quân đội ra khỏi Afghanistan. Những nỗ lực nhằm phản đối sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn và khi điều đó biến mất, nhiều người cho rằng sức mạnh trong khu vực sẽ nghiêng về phía Trung Quốc.

Tuy vậy, có hai vấn đề cần phải lưu ý. Thứ nhất, lợi ích hiện tại của quan hệ Nga-Trung đang lớn hơn những thách thức mà nó đặt ra. Thứ hai, đề xuất xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa Nga và Mỹ ở thời điểm này là quá sớm, bởi sự tin tưởng giữa hai nước thời điểm này đang ở mức thấp, hơn nữa, Moscow vẫn đang lo ngại về mối đe dọa từ phương Tây.

Hai thái cực đối lập

Dù Nga vẫn theo dõi một cách cẩn trọng mọi bước đi của Trung Quốc và nhận thức được sự thiếu cân xứng ngày càng gia tăng trong cán cân quyền lực giữa hai bên, nhưng về nguyên tắc, cả Moscow và Bắc Kinh đã đạt đến một sự dàn xếp ổn thỏa. Nhà phân tích Alexander Gabuev của Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng, hai bên đã có sự phân công vai trò ở Trung Á. Theo đó, Moscow cung cấp sự đảm bảo an ninh còn Trung Quốc chú trọng đến phát triển.

Một số nhà phân tích cho rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Tajikistan – quốc gia thành viên của cả Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) của Trung Quốc – không nên được hiểu là bước khởi đầu để Bắc Kinh thay đổi vị trí của Moscow với tư cách là quốc gia đảm bảo an ninh chính tại khu vực Trung Á. Bởi trên thực tế Nga mới là nước dẫn đầu một liên minh quân sự thực sự trong khu vực và có khả năng triển khai một lực lượng đa quốc gia được gọi là Lực lượng phản ứng nhanh (KSOR). Hơn nữa, Moscow có các thỏa thuận đồn trú quân sự và sử dụng căn cứ lâu dài với các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Armenia.

Về cơ bản, lợi ích của Nga nằm ở việc duy trì quan hệ thân thiện và hữu nghị với Trung Quốc và Moscow đã củng cố điều này trong 3 thập kỷ qua. Ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow nhận xét rằng: “Bất cứ sự thay thế nào cho quan hệ hữu nghị với Trung Quốc cũng sẽ là một thảm họa đối với Nga”.

Ngược lại, quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ngày càng xấu đi nghiêm trọng kể từ những năm 1990, bất chấp nỗ lực cải thiện trong những năm đầu Tổng thống Putin lên nắm quyền. Sự đối đấu được thể hiện rõ rệt, qua việc NATO liên tục mở rộng sự hiện diện tại sườn phía Đông sát với Nga, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hay những mâu thuẫn giữa hai nước về vấn đề Trung Đông. Lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây với Nga cũng như những đòn trả đũa của Moscow thời gian gần đây càng khiến quan hệ căng thẳng giữa hai bên lâm vào bế tắc.

Nhà phân tích Janko Scepanovic của The Diplomat cho rằng, trong bối cảnh quan hệ song phương đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ chiến tranh Lạnh và hai bên thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Biden dự kiến diễn ra ngày 16/6 sẽ khó tạo ra đột phá, chứ chưa nói đến việc thiết lập một mối liên kết chặt chẽ giữa Nga và Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo ông, điều mà Moscow và Washington cần làm vào thời điểm này là xúc tiến các cuộc đối thoại nhằm ngăn chặn những tình huống khủng hoảng có thể xảy ra./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại