Những năm gần đây, xu hướng bỏ phố về quê làm chủ ngày càng thịnh hành, rất nhiều người tìm thấy hướng đi mới cho tương lai từ đây. Thế nhưng, bỏ phố về quê chưa bao giờ là câu chuyện chỉ toàn "màu hồng", đặc biệt khi bạn không có trong tay đủ kinh nghiệm và vốn đầu tư.
Hãy cùng lắng nghe hai người trẻ dưới đây cởi mở, xem họ đã được và mất gì sau thời gian dài từ bỏ cuộc sống ổn định nơi thành phố, chọn về quê khởi nghiệp.
Nghỉ công việc lương ngàn đô về quê làm chủ, chi gần 3 tỷ đồng khởi nghiệp
Trương Công Nam (28 tuổi, Bắc Giang), tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh chàng từng dành 4 năm phấn đấu ở mảnh đất Hà Nội để lên được chức trưởng phòng, nhận lương khoảng 1.300 USD (~ 30 triệu đồng). Với nhiều người, đây là thu nhập đáng mơ ước, đủ để níu chân họ ở lại thành phố.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi tăng lương, Nam quyết định xin nghỉ việc, bỏ về quê mở mô hình kinh doanh bida. Bởi anh nói đã chán quá chán cảnh tương lai mù mịt của việc làm công ăn lương, suốt ngày ngồi với 4 bức tường và những cỗ máy khô khan.
"Làm việc đam mê mà ra tiền thì làm chủ vẫn sướng hơn làm thuê lương 20-30 triệu/tháng ở thành phố lớn", Nam tâm sự.
Lập nghiệp ở quê khác xa với việc về quê nghỉ hưu. Không giống những người đã đạt được tự do tài chính về quê để tận hưởng cuộc sống sáng uống trà, chiều ngắm cảnh. Những người trẻ như Nam chọn lập nghiệp ở quê là một thử thách rất lớn.
Nam chọn nghỉ công việc lương ngàn đô, về quê mở quán bida (Ảnh minh hoạ)
Sẵn có mảnh đất trống hơn 200m2 của gia đình, Nam bắt đầu mở quán với số vốn 2 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 500 triệu đồng tiền tiết kiệm, 500 triệu được bố mẹ hỗ trợ, và 1 tỷ đồng cầm sổ đỏ ngân hàng. Sau này, khi cần mở rộng kinh doanh, anh còn được thêm 400 triệu đồng góp vốn từ bạn bè.
Với việc vay thế chấp mảnh đất trong 10 năm, mỗi tháng Nam cần trả khoảng 20 triệu đồng tiền gốc và lãi. Số tiền nợ còn lại, Nam vay từ bạn bè và người thân nên anh không quá áp lực chuyện trả nợ. Trước khi mở quán kinh doanh, Nam cũng tính cho mình một đường lui. Theo đó, với quy mô hiện tại, Nam nghĩ bản thân có thể sang nhượng quán để hồi vốn.
Tính toán hết "đường đi nước bước", Nam bắt đầu tập trung cả tiền bạc, thời gian và sức lực cho quán bida riêng. Anh chàng nhận định với mô hình kinh doanh bida, nếu bản thân làm nửa vời thì không bao giờ giữ được khách hàng.
Nam bắt đầu khởi nghiệp bằng cách nghiên cứu những quán bida trong huyện. 1 tuần liền, Nam chỉ ăn ngủ ở các quán bida, liên tục di chuyển để nắm bắt được đặc điểm của khách hàng tiềm năng: Sở thích của họ, thời gian tối đa họ dành cho giải trí, họ đánh giá như thế nào về một quán bida tốt... Nam quan điểm: Nuông chiều được sở thích của khách hàng chính là nguồn doanh thu sau này của quán.
Bước đầu trên hành trình khởi nghiệp của Nam là nghiên cứu kỹ khách hàng (Ảnh minh hoạ)
Sau đó, Nam tính đến khả năng cạnh tranh của quán mình so với những trò chơi giải trí ở khu vực lân cận. Anh cũng ước lượng số bàn tối đa có thể mở, số tiền thu thu mỗi giờ, lượng khách tối thiểu trong ngày và doanh thu của tháng. Tiếp theo, Nam cân đối chi phí và khoảng thời gian có thể hồi vốn từ quán bida.
Về mặt bằng quán, trên mảnh đất rộng 200m2, Nam làm quán bida 2 tầng, mỗi tầng có 3 phòng rộng và 1 khu sinh hoạt chung. Tổng cộng có 10 bàn bida, mỗi bàn có phăng giá 30-35 triệu. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm 300 triệu đồng cho tiền cơ. Tổng lại, chi phí hoàn thiện quán bida ban đầu mất hơn 1,3 tỷ đồng.
Ngoài số vốn bỏ ra ban đầu, từ thời điểm khai trương, mỗi tháng Nam chi khoảng 80 triệu đồng để duy trì hoạt động kinh doanh. Đó còn chưa kể phí bảo dưỡng cửa hàng là 100 triệu đồng/năm. Nam sử dụng phần mềm để kiểm soát thu chi, thuê thêm nhân viên quản lý để họ có thời gian nghỉ ngơi.
Nam kể lại, 6 tháng đầu, quán anh gần như không có lợi nhuận vì lượng khách vẫn còn ít. Lúc này, Nam phải bỏ tiền túi để duy trì hoạt động kinh doanh và làm quảng cáo. Thời gian sau, khách hàng ngày một đông hơn nhờ khách hàng cũ giới thiệu. Hiện tại, sau hơn một năm mở quán bida, Nam đã có đủ lợi nhuận để trả lãi ngân hàng.
Nhìn lại quá trình khởi nghiệp, Nam đưa ra hai lời khuyên:
- Thứ nhất, hãy xác định khả năng và những thứ bạn cần đánh đổi khi bắt đầu khởi nghiệp. Cụ thể, bạn nên chấp nhận mình không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, phải xoay vòng vốn liên tục, duy trì mối quan hệ xã giao, sát sao với công việc quán và học cách quản lý nhân sự. Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng nhiều khi lượng công việc bản thân cần xử lý vượt quá sức.
- Thứ hai, tập trung cải thiện chất lượng là điều "níu chân" khách hàng và gia tăng lợi nhuận. Bởi đối với khách hàng chọn nhu cầu giải trí như quán bida, họ quan tâm chất lượng hơn là số tiền phải bỏ ra.
Sau tất cả, dù gặp nhiều khó khăn, song Nam không hề hối hận với quyết định bỏ phố về quê.
Bỏ phố về quê kinh doanh giống cây lạ, chấp nhận những ngày đầu thu nhập bấp bênh
Cùng chọn bỏ phố về quê khởi nghiệp vì ngán cảnh "làm thuê" và nhịp sống của thành thị là Trần Bảo Huy (35 tuổi, Khánh Hoà). Thời điểm mới ra trường, giống như bao bạn bè khác, anh chàng chọn bám trụ tại TP.HCM, tìm kiếm cơ hội cho mình.
Suốt những năm lập nghiệp trên thành phố, Huy làm việc cho một tập đoàn lớn, phụ trách mảng máy nông - ngư cơ. Thời điểm bắt đầu đi làm là năm 2011 - 2012, Huy đã nhận mức lương gần 20 triệu đồng/tháng. Theo thời gian, thu nhập Huy nhận được dần tăng lên. Có công việc ổn định, mức lương nhiều người mong ước nhưng từ năm 2018, Huy cùng vợ đã chọn nghỉ việc, lên Đà Lạt làm homestay - một quyết định khiến nhiều người thân và bạn bè bất ngờ, lo lắng.
Vợ chồng Trần Bảo Huy
"Hồi đó ra trường mình làm ở TP.HCM được 7 năm. Lương cũng sống dư dả. Còn vợ mình thì làm ở công ty riêng của chị gái. Do tính chất công việc, mình rất hay đi công tác, có tháng ở nhà chỉ vài ngày. Và đi vậy thì hay kèm những bữa nhậu, tiếp khách, mà mình lại không thích nhậu nhẹt. Càng ngày mình càng sợ đi làm. Và cũng muốn bứt phá ra ngoài làm cái gì đó của riêng mình.
Thế là hai vợ chồng quyết định nghỉ việc, tìm lối đi riêng. Hai đứa vốn mê Đà Lạt, hay đi Đà Lạt chơi rồi bảo khi nào già sẽ về đây sống. Xong nghĩ lại, cần gì phải đợi già, thế là hai vợ chồng cùng thống nhất 'tiến quân' lên Đà Lạt, kinh doanh homestay", Huy kể lại.
Tuy nhiên, Đà Lạt cũng không phải điểm đến cuối cùng của vợ chồng Huy. Sau 3 năm mở homestay, họ chọn về vùng quê Bác Ái (Ninh Thuận) để khởi nghiệp với cây xương rồng Nopal.
"Ai cũng kêu ở Đà Lạt sung sướng, nhàn nhã, hai vợ chồng lúc nào cũng đẹp đẽ, thơm tho thì không chịu. Giờ khởi nghiệp, đi lang thang, lúc nào trông cũng luộm thuộm, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Người ta còn bảo mình khùng khùng. Mà ngẫm lại thấy cũng khùng thật", Huy tâm sự.
Đôi vợ chồng chưa bao giờ nghĩ rằng con đường mình chọn là không đúng
Về mặt hàng khởi nghiệp, Huy làm thực phẩm, dược liệu từ cây xương rồng Nopal. Bởi theo anh, loại xương rồng này có thể chế biến để ăn tươi, nấu canh, xào, làm gỏi, salad... hoặc muối chua, làm nước uống. Tính chất dược tính và hàm lượng dinh dưỡng trong cây cao.
Về quê khởi nghiệp chưa bao giờ là hành trình dễ đi và tuyệt đối không dành cho những ai lười biếng, thích nhàn hạ. Đặc biệt, khi khởi nghiệp với nông nghiệp, bạn không phải chỉ cần biết cầm cuốc mà còn cần có vốn tri thức, kinh nghiệm thực tế.
Thời gian đầu khởi nghiệp, thu nhập của đôi vợ chồng khá bấp bênh. Bù lại, họ cảm thấy tinh thần vui vẻ, phấn chấn hơn, có thể làm chủ thời gian và công việc của mình.
Để có được cuộc sống yên bình, anh Bảo Huy và vợ phải đánh đổi rất nhiều. Không còn sơ mi cà vạt, váy vóc, quần là áo lượt. Không có những cuộc họp trong phòng máy lạnh, "deadline" ngập đầu. Họ khoác lên mình bộ quần áo lao động, ngày ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".