Ảnh minh họa
Bộ Công Thương vừa có văn bản mời thẩm định giá lô 21 chiếc xe công để tiến hành đấu giá bán thanh lý. Những mẫu ô tô này từ 4 - 16 chỗ ngồi.
Trong lô ô tô thanh lý này có 7 chiếc Toyota Camry đời từ năm 2000 đến 2004, 1 chiếc Toyota Land Cruiser đời 2006, 1 chiếc Mercedes đời 2005, 4 chiếc Toyota Altis sản xuất năm 2000 đến 2004. Ngoài ra, còn các mẫu xe khác như Ford Everest, Mitsubishi Pajero, Toyota Innova và Ford Laser.
Số xe trên có thời gian sử dụng từ 14 - 22 năm, chạy được 124.000 - 384.000 km. Chiếc xe có số km chạy ít nhất là xe ô tô Mercedes 16 chỗ màu ghi, chạy 124.000km, được sản xuất tại Việt Nam năm 2005.
Theo công bố của Bộ Công thương, những chiếc xe này có giá từ 408 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, giá trị theo sổ sách kế toán thì toàn bộ số xe trên giá trị còn lại đã về mức 0 đồng. Đắt giá nhất là chiếc Mitsubishi Pajero 7 chỗ màu xanh, được sản xuất tại Nhật Bản năm 2004. Mẫu xe này có nguyên giá là hơn 936 triệu đồng.
Trên thị trường xe cũ, các mẫu xe Toyota giá từ 130 đến hơn 280 triệu đồng/chiếc tuỳ loại. Các mẫu xe Toyota Land Cruiser đời 2006 có giá bán thấp nhất là 680 triệu đồng đến hơn 910 triệu đồng tuỳ loại. Trong khi đó, một mẫu xe Ford Everest có giá thấp nhất 150 triệu đồng, đến cao nhất là 235 triệu đồng, tuỳ loại. Các mẫu xe Toyota Altis đời từ 2000 - 2004 có giá từ 155 triệu đến hơn 387 triệu đồng/chiếc, tuỳ loại.
Danh sách những mẫu ô tô thanh lý.
Theo nghị định 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô thì xe được thanh lý khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đã quá thời gian sử dụng theo quy định của pháp luật về chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định;
- Đã sử dụng trên 200.000 km đối với xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước có trụ sở đóng trên địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đã sử dụng trên 250.000 km đối với xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước có trụ sở đóng trên địa bàn còn lại.
- Chưa đủ điều kiện quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả (dự toán chi phí sửa chữa lớn hơn 30% so với nguyên giá).
Căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 45 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, thanh lý ô tô công tại cơ quan Nhà nước được thanh lý theo các hình thức: Phá dỡ, hủy bỏ. Vật liệu, vật tư thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ tài sản được xử lý bán; Bán.
Những chiếc xe thanh lý sau khi được mua phải làm thủ tục theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa.
Khi mua xe thanh lý, theo quy định tại Mục a.6 Điểm a Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 70/2021/TT-BTC ngày 12/8/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, đối với các xe bị tịch thu, bị thu hồi bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; xe của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe của lực lượng quốc phòng, công an thanh lý; xe thế chấp bị ngân hàng thu hồi mà trong thời gian bị tịch thu, thu hồi, chờ thanh lý không đăng kiểm để lưu hành sau đó được bán phát mại, thanh lý thì chủ mới của phương tiện chỉ phải nộp phí sử dụng đường bộ từ thời điểm mang xe đi đăng kiểm để lưu hành.
Khi đăng kiểm lưu hành, chủ phương tiện phải xuất trình cho cơ quan đăng kiểm các giấy tờ liên quan như: Quyết định tịch thu hoặc thu hồi của cấp có thẩm quyền; Quyết định thu hồi tài sản thế chấp; Quyết định cho phép thanh lý tài sản đối với các tài sản thuộc sở hữu của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng quốc phòng, công an; Biên bản hoặc hợp đồng thực hiện hoàn tất thủ tục mua tài sản được bán thanh lý, bán đấu giá.
Trường hợp xe bán thanh lý, phát mại đã nộp phí qua thời điểm đi đăng kiểm lại để lưu hành thì chủ phương tiện nộp phí tính từ thời điểm nối tiếp theo kỳ hạn đã nộp phí của chu kỳ trước.