Về lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả giá điện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành theo lộ trình thị trường. “Việc tính toán, sớm chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong triển khai chính sách. Thời điểm điều chỉnh cần tính toán phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Khả năng điều chỉnh giá điện cũng được nhắc tới tại cuộc họp đầu năm nay của EVN khi Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, nếu không tăng giá điện sẽ không giải quyết được khoản lỗ 17.000 tỷ đồng của tập đoàn này. Các báo cáo tài chính của EVN cho thấy, trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần nhưng không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện. EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất, kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.
Theo văn bản EVN gửi Bộ Công thương, tính đến hết năm 2023, tập đoàn này ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất khoảng 17.000 tỷ đồng. Tổng giám đốc EVN cho rằng số lỗ trên chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành. Theo tính toán của EVN, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối là 2.092,78 đồng/kWh nhưng giá bán điện bình quân là 1.950,32 đồng/kWh. Theo đó, cứ mỗi kWh bán ra, EVN đang chịu lỗ 142,5 đồng.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, việc tăng giá này sẽ khiến một số doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện và một bộ phận người dân sẽ gặp khó khăn. Nếu kiềm giá điện quá lâu, việc kinh doanh thua lỗ cũng ảnh hưởng tới hoạt động của ngành điện. Do đó, nhà nước phải tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh phù hợp để cân bằng lợi ích cả ba bên gồm: doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý EVN cần phải công khai, minh bạch trong giá mua, bán điện cũng như tình hình kinh doanh để không ảnh hưởng tới tâm lý người dân. Theo ông Thịnh, giá điện cần tiến tới được điều hành theo cơ chế thị trường, có tăng, có giảm.