Sự việc xảy ra ở huyện Thuật Dương, thành phố Túc Thiên, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày đầu tiên của tháng 2 vừa qua.
Theo trang báo điện tử Sina (Trung Quốc), nạn nhân là bé Tiểu Hân, 3 tuổi và người vô tình gây họa cho cô bé không ai khác chính là bố mẹ của em.
Nhầm lẫn có… hệ thống: Mẹ mua nhầm, bố cho con ăn nhầm hạt trương nở độc hại vì tưởng là kẹo
"Tôi mua khá nhiều loại kẹo khác nhau, không ngờ trong đó là có một lọ bên trong toàn là hạt trương nở", mẹ của Tiểu Hân giọng đầy trách cứ bản thân chia sẻ với phóng viên khi đang ở trong khoa nhi của bệnh viện Phụ nữ và trẻ em thành phố Hoài An chăm sóc con.
Qua lời kể của bà mẹ trẻ, vào chiều ngày 01/02 vừa qua, cô đi siêu thị mua đồ. Trước khi đi, cô có hứa với con gái sẽ mua kẹo về cho con nên đã mua khá nhiều kẹo.
Khi nhấc chiếc lọ bên trong chứa đầy hạt trương nở, thấy có vẻ rất giống với loại kẹo dẻo ngũ sắc mà con gái bình thường thích ăn nên người mẹ này vô tư để vào giỏ.
Trong lúc thanh toán, vì chủ siêu thị (siêu thị nhỏ) đang bận nên cũng không chú ý để nói với khách rằng đó không phải là kẹo.
Những hạt trương nở màu mè này đã khiến bố mẹ Tiểu Hân nhầm lẫn, cho con ăn. Ảnh minh họa.
Bác sĩ cho phóng viên xem phim chụp của Tiểu Hân.
Sau khi về nhà, cô để số hàng vừa mua ở ngoài rồi đi làm việc nhà, người chồng có nhiệm vụ lấy kẹo cho con ăn. Thật không ngờ, anh đã lấy luôn lọ hạt trương nở đổ từng vốc ra tay, từng hạt từng hạt đưa vào miệng cô bé 3 tuổi.
Cho đến khi ăn gần hết "lọ kẹo", người mẹ phát hiện một viên rơi trên sàn và nhặt lên, đưa vào miệng, lúc đó cô mới giật mình khi thấy "kẹo" không những không ngọt mà còn rất cứng.
Nhằn ra quan sát thật kỹ, hai vợ chồng mới tá hỏa, rằng đó không phải là kẹo dẻo con gái vẫn thích mà là hạt trương nở.
"Chúng tôi cũng biết hạt trương nở khi gặp nước sẽ phình lên rất lớn", mẹ Tiểu Hân nói. Ngay lập tức, họ đưa con gái vào thẳng bệnh viện huyện Thuật Dương, sau đó tiếp tục chuyển viện lên bệnh viện Phụ nữ và trẻ em thành phố Hoài An.
Uống thuốc để đào thải hạt trương nở ra khỏi cơ thể bệnh nhân
Bé Tiểu Hân ở trong bệnh viện cùng với mẹ.
Cả lọ hạt trương nở được cô bé ăn gần hết nhưng cụ thể là bao nhiêu hạt, cả bố và mẹ Tiểu Hân đều không năm rõ. Sau khi chạy ra siêu thị mua một lọ tương tự về đổ ra đếm, cả gia đình mới chắc chắn cô bé đã ăn hơn 280 hạt.
"Khi đó Tiểu Hân không có biểu hiện gì bất thường, điều này cho thấy những hạt trương nở kia chưa phình đến một mức độ nhất định nào đó", bác sĩ Hạ Thuận Lâm, phó chủ nhiệm khoa nhi của bệnh viện cho hay khi được hỏi về tình trạng của bệnh nhân lúc vừa vào viện cấp cứu.
Khi xem phim chiếu chụp của cô bé, ngay cả vị bác sĩ này cũng cảm thấy giật mình. Trong dạ dày của Tiểu Hân xuất hiện chi chít những vật thể hình cầu nhỏ.
Tuy nhiên, nhờ đến bệnh viện kịp thời nên dạ dày bé chưa bị tổn thương, ảnh hưởng từ độc tính của những hạt trương nở này cũng không đáng ngại. Sau khi được bác sĩ kê thuốc uống, ngay trong đêm đó, 10 hạt nhựa đầu tiên đã được thải ra và có dấu hiệu trương phình.
Cho đến trưa ngày 3/1, hơn 200 hạt trương nở đã ra khỏi cơ thể cô bé và đến ngày 4/1, toàn bộ số hạt độc hại đã được thải ra hoàn toàn.
Bài học không thể xem nhẹ dành cho các bậc phụ huynh
Trước khi Tiểu Hân gặp nạn, vào ngày 22/1 vừa qua, bệnh viện nhi thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc cũng đã tiếp nhận một trường hợp cấp cứu vô cùng nguy cấp. Bệnh nhân là bé Hoa Hoa mới 8 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sức khỏe bất thường ở bé Hoa Hoa được xác định là do bé nuốt phải hạt trương nở do chị gái mang từ trường về nhà chơi.
Bé Hoa Hoa gặp nguy kịch về sức khỏe sau khi nuốt phải hạt trương nở.
Cả hai vụ việc này đã gióng lên một hồi chuông báo động không thể làm ngơ trước loại hạt nở rất dễ gây họa cho trẻ.
Tại Trung Quốc và cả Việt Nam hiện nay, hạt trương nở được dùng vào mục đích chính là cung cấp nước cho thực vật. Thế nhưng ở không ít cổng trường tiểu học, chúng được bày bán như đồ chơi và không ít học sinh đã phải nhập viện cấp cứu vì thứ hạt độc hại này.
Vì thế, các bậc phụ huynh, hãy thận trọng xem xét kỹ nhãn mác, tránh rơi vào tình trạng nhầm lẫn tai hại như trường hợp bố mẹ của Hân Hân, đồng thời cần giám sát con em thật kỹ, tuyệt đối không để trẻ chơi thứ "đồ chơi" nguy hiểm này.