Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam là điều tất yếu
Truyền thông Nga ngày 23-5 bình luận rằng, mặc dù có những luồng thông tin trái chiều nhưng đúng như dự kiến, ngay sau khi bắt đầu chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama đã tuyên bố Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận tất cả các loại vũ khí cho Việt Nam.
Tại cuộc họp báo ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rằng, quyết định này không phụ thuộc vào Trung Quốc hay bất kỳ yếu tố nào khác. Nhưng theo ý kiến của nhà phân tích chính trị Nga Dmitry Mosyakov, ông Obama thiếu tính thành thật khi nói về vấn đề này.
Ông Mosyakov cho biết, ông Obama có thể nói bất cứ điều gì nhưng quyết định đó chắc chắn có liên quan đến cuộc đối đầu trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc và trên phạm vi toàn cầu với Nga.
Theo vị chuyên gia Nga này, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận này có liên quan mật thiết đến chính sách đối ngoại chiến lược của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, hiện ý tưởng này bắt đầu mất dần độ "hot", bởi trong thời gian qua, các quan chức và học giả Hoa Kỳ đã nói quá nhiều về nó, đồng thời, sau khi Việt - Mỹ trở thành đối tác toàn diện năm 2013, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đã trở thành một điều tất yếu.
Đa phần các chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ trung hòa quan hệ hợp tác quân sự với Nga và Mỹ
Trong bối cảnh này, chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Obama mà người Mỹ trông đợi như ca khúc khải hoàn, và việc Washington tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam dường như đã trở thành thắng lợi lớn hơn cho phía Hà Nội.
Ông Mosyakov nhận định rằng, bản thân ông không nghĩ rằng chuyến thăm này sẽ có tác động nào đó đến đường lối đối ngoại của Việt Nam. Còn về chính sách tái vũ trang quân đội Việt Nam, chính sách này sẽ có ảnh hưởng nhưng không mang tính bước ngoặt.
Chuyên gia Nga bình luận, kết quả cuộc hội đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nga Medvedev cho thấy rằng, mối quan hệ Việt - Nga có triển vọng rất lớn, trên nhiều lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự.
Các chuyên gia Nga đều thống nhất nhận định rằng, phân tích dưới góc độ chính trị, quân sự và kinh tế cho thấy, việc dỡ bỏ cấm vận chủ yếu mang tính biểu tượng cho sự bình thường hóa thực chất trong quan hệ Việt - Mỹ, còn rất ít khả năng xảy ra tình trạng Việt Nam tái trang bị cho quân đội với vũ khí của Mỹ.
Vậy điều này xuất phát từ những nguyên nhân nào?
Nguyên nhân cơ bản khiến Việt Nam chưa tái trang bị ồ ạt vũ khí Mỹ
Thứ nhất là quan hệ Việt - Mỹ vẫn chưa đủ độ tin cậy như Việt-Nga
Nga và Việt Nam có lợi thế là được kế thừa mối quan hệ hợp tác hữu nghị anh em với Liên bang Xô viết. Trải qua hơn hai mươi năm vun đắp, hiện hai nước đã trở thành những "đối tác chiến lược toàn diện" của nhau, trong khi Mỹ mới chỉ là "đối tác toàn diện".
Việt Nam cũng đã mua sắm một số vũ khí cá nhân của phương Tây
Để xây dựng được một mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau, Việt - Mỹ sẽ cần tới hàng chục năm, trong bối cảnh hai nước có 2 chế độ chính trị khác nhau nên vẫn còn những bất đồng về một số lĩnh vực cơ bản như thể chế chính trị.
Mà đối với những vấn đề này, nếu chưa được sự đồng thuận của quốc hội Mỹ thì sẽ không có thỏa thuận vũ khí quan trọng nào được phê duyệt. Ngay cả đối với những đồng minh của Mỹ, việc mua sắm các vũ khí hiện đại cũng không hề đơn giản khi ra trước quốc hội Hoa Kỳ.
Thứ hai là hợp tác với Mỹ chưa thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng
Thoạt nhìn, điều này dường như không ảnh hưởng lắm đến đường lối đối ngoại quân sự, nhưng trong thực tế, nó quyết định đến xu hướng mua sắm vũ khí trang bị và có tác động không nhỏ đến việc xây dựng quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự của đất nước.
Các nước nghèo khi quan hệ với Mỹ thường không có được xu thế hợp tác thực chất và bình đẳng mà thường nhận được những "món quà" hoặc mua với giá rẻ các loại trang bị, vũ khí cũ, khó có khả năng nâng cao năng lực tác chiến của quân đội.
Các nước nhỏ cũng rất khó có khả năng và nếu có cũng rất lâu mới đạt đến trình độ có thể hợp tác phát triển vũ khí trang bị với Mỹ. trong thực tế, việc chia sẻ công nghệ quân sự của Mỹ đối với các nước khác là sự chọn lựa gắt gao cả về thái độ chính trị và trình độ công nghệ.
Do đó, các nước như Việt Nam thường không có lợi gì trong quan hệ với Mỹ về lĩnh vực phát triển nền công nghiệp quốc phòng của đất nước. Điều này có thể nhìn thấy rõ từ thực trạng của Philippines hay Đài Loan trong mối quan hệ với Mỹ. Nhưng đối với Nga thì ngược lại.
Hiện Nga đang giúp đỡ Việt Nam phát triển binh chủng tàu ngầm, hợp tác chế tạo tên lửa chống hạm, tàu tên lửa và có thể là cả tàu hộ vệ. Đây là sự giúp đỡ quý báu, giúp ngành đóng tàu quân sự và chế tạo tên lửa Việt Nam bắt kịp với trình độ của thế giới.
Thứ ba là Việt Nam đang sử dụng rất nhiều vũ khí Nga
Trong 5 năm liền Việt Nam lọt vào top 3 khách hàng lớn nhất mua các sản phẩm quân sự của Nga. Hiện nay, trong trang bị của Quân đội Nhân dân Việt Nam, 90% là vũ khí Nga, mà chủ yếu trong đó là các trang bị tác chiến, có ý nghĩa sống còn đối với quân đội trong bảo vệ đất nước.
Máy bay tuần tiễu chống ngầm của Mỹ như P-3C Orion có thể là loại vũ khí đầu tiên mà Việt Nam mua sắm
Việc sử dụng chủ yếu là các vũ khí Nga đồng nghĩa với việc toàn bộ hạ tầng cơ sở và yếu tố con người của Việt Nam đều được xây dựng để phục vụ cho việc sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng các vũ khí Nga, trong đó có không ít những vũ khí mới, hiện đại, vòng đời sử dụng còn lâu và tiềm tàng khả năng nâng cấp, hiện đại hóa.
Việc đầu tư xây dựng mới hàng loạt hạ tầng cơ sở, xây dựng từ đầu về yếu tố con người là tốn kém rất nhiều tiền bạc và thời gian, lãng phí rất lớn những cơ sở hạ tầng cũ. Do đó, không thể một sớm một chiều tái trang bị hàng loạt vũ khí Mỹ.
Việt Nam nên đi theo xu hướng của Ấn Độ?
Trên đây là những yếu tố mang tính then chốt để Cơ quan Liên bang Nga về hợp tác kỹ thuật - quân sự đưa ra nhận xét rằng, việc Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu vũ khí của Nga sang Việt Nam.
Mỹ đã cung cấp tàu tuần tiễu cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam
Các chuyên gia Nga đưa ra một chi tiết thực sự mang tính biểu tượng là chính trong những ngày này, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã phát biểu trên kênh truyền hình "Nước Nga-24", tuyên bố ủng hộ sự tăng cường hợp tác kỹ thuật - quân sự với Nga.
Chủ tịch Trần Đại Quang nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập những xí nghiệp liên doanh để chế tạo, bảo dưỡng và nâng cấp các loại vũ khí và thiết bị quân sự của Nga, đang trang bị trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, mặc dù Việt Nam sẽ mua sắm thêm một số trang bị phương Tây, nhưng các loại vũ khí Nga, mà chủ yếu là các trang, thiết bị tác chiến nòng cốt sẽ vẫn là người bạn đồng hành với quân đội Việt Nam trong thời gian rất dài.
Do đó, Việt Nam có thể đi theo con đường của Ấn Độ, không phá vỡ cơ cấu vũ khí, trang bị hiện có mà chỉ mua sắm thêm các trang bị bảo đảm (máy bay vận tải, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm), tàu tuần tiễu hay một số trang bị cá nhân binh lính.
Nếu đi theo con đường này, Việt Nam sẽ dung hòa và thu nạp được lợi ích trong quan hệ với các cường quốc quân sự, thực hiện đúng chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ hợp tác quốc phòng, biến ngoại lực thành nội lực, để xây dựng quân đội Việt Nam hiện đại, mạnh mẽ, đủ khả năng bảo vệ đất nước.