Bò Brazil sắp "đại chiến" bò Úc tại Việt Nam

Hoàng Linh |

Việt Nam là thị trường nhập khẩu bò Úc lớn thứ hai trên thế giới, với lượng nhập khẩu tăng 244.418 con (khoảng 39%) kể từ tháng 9 năm ngoái.

Lượng nhập khẩu Úc của Việt Nam đã tăng gần như từ con số 0 trong năm 2012 (khoảng 3.353 con) lên 362.248 con vào năm 2015.

Tuy nhiên, con số này đã giảm trở lại quanh ngưỡng trung bình 200.000 con/ năm kể từ năm đó. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự nhạy cảm của thị trường Việt về giá thịt bò nhập khẩu từ Australia.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt bò, cùng với dịch bệnh tả lợn châu Phi đã dẫn đến giá các loại thịt có xu hướng tăng. Điều này góp phần làm tăng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Úc trong năm nay.

Với Brazil, tình hình dịch bệnh lở mồm long móm đang cản trở việc xuất khẩu sang thị trường Indonesia, nơi có khối lượng đàn bò từ 10 đến 12 triệu con. Trong khi đó, Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh này nên khả năng chuyển hướng sang Việt Nam sẽ khả thi hơn.

Brazil có khoảng cách và chi phí vận chuyển sang Việt Nam cao hơn nhiều so với Úc, ngoài ra còn phải chịu khoản thuế nhập khẩu 5% đối với thịt bò. Tuy nhiên, giá thịt bò lại rẻ hơn Úc do sự sụt giảm đáng kể của đồng nội tệ Brazil.

Một điểm đáng lưu ý nữa là quy trình giết mổ bò theo tiêu chuẩn Úc khá nghiêm ngặt, đặc biệt chú trọng tới việc giảm sự đau đớn cho con vật. Các nhà xuất khẩu từ phía Brazil không bị phát sinh các chi phí duy trì các tiêu chuẩn cao về quyền lợi động vật (animal welfare) như ở Úc.

Bò Brazil sắp đại chiến bò Úc tại Việt Nam - Ảnh 1.

Giá thịt bò xuất khẩu của một số khu vực trên thế giới. Nguồn: MLA’s NLRS

Có khả năng các nhà xuất khẩu Brazil sẽ chọn chiến lược cạnh tranh bằng giá khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Theo dự báo của Meat and Livestock Australia (MLA), giá thịt bò nhập từ Brazil sẽ có khả năng thấp hơn là nhập từ Úc.

Theo Quản lý mảng dịch vụ chăn nuôi của MLA - Michael Patching, Úc sẽ phải dựa vào điểm khác biệt của họ trên thị trường, đó chính là chất lượng và nguồn cung ổn định.

Các nhà xuất khẩu Úc đã đầu tư vào công tác đào tạo và cải tạo hạ tầng để hỗ trợ các chủ lò mổ tăng năng suất. Nhiều lò mổ 5 năm trước chỉ có năng suất từ 5 – 6 con/1 đêm thì nay đã tăng lên đến 50 con/đêm, có nơi còn lên đến 200 con/đêm.

Ông Michael Patching cũng nhận định: "Tại Việt Nam, việc xây dựng nguồn cung ổn định là điều rất quan trọng ở cả hai giác độ là an ninh lương thực và quyền động vật. Bởi giảm số lượng cơ sở giết mổ sẽ khiến việc quản lý dễ dàng hơn. Đứng ở góc độ kinh tế, điều này cũng đem lại lợi nhuận tốt hơn nhờ có tính hiệu quả tập trung".

Sự đầu tư từ các nhà xuất khẩu nói riêng và ngành chăn nuôi Úc nói chung vừa đem lại sự cải thiện về hiệu suất, năng suất, nguồn cung ổn định, vừa đem lại sự tín nhiệm cho quốc gia này trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Nhà xuất khẩu Justin Slaughter từ Austrex, một trong những tổ chức xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lớn nhất thế giới cho rằng mặc dù có lợi thế hơn các nhà xuất khẩu Úc ở các khoản chi phí phát sinh về quyền lợi động vật, nhưng khoảng cách địa lý và chi phí vận chuyển sẽ là thách thức đáng kể tới khả năng xuất khẩu của Brazil.

Ngoài ra, theo đánh giá của ông Patching, ngành xuất khẩu các loại bò nuôi để lấy thịt (feeder) cũng đang có nhiều tiềm năng trong tương lai.

MLA cùng với Công ty Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Úc (LiveCorp) hiện đang nghiên cứu chuỗi cung ứng tại Việt Nam để hiểu các mô hình kinh doanh được tổ chức ở đây. Từ đó họ mới định hướng chiến lược phát triển dựa trên sự thúc đẩy hiệu suất có chọn lọc ở một số cơ sở chính.

Tăng hiệu suất cũng như có một nguồn cung ổn định giúp tạo một nền tảng vững chắc hỗ trợ các đàn bò đến từ Australia cạnh tranh với các nguồn từ địa phương hay bò Brazil.

Ông Patching cho biết ngoài những thách thức lớn, phát triển thị trường bò nuôi lấy thịt tại Việt Nam cũng là cơ hội rất giàu tiềm năng. "Nếu việc tổ chức chăn nuôi và sản xuất tại Việt Nam thuận lợi, chúng tôi sẽ không còn phải lo lắng về vấn đề cạnh tranh với bò Brazil nữa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại