Bộ GDĐT vừa tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu về toàn diện tự chủ của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về tự chủ ĐH thay thế cho Nghị quyết 77.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất bãi bỏ tư cách công chức trong các trường đại học, xóa biên chế đối với giảng viên, giáo viên trong các trường ĐH.
Người làm việc trong các trường ĐH được điều chỉnh theo Bộ Luật Lao động, không theo Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức như hiện nay.
Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của các thầy cô, nhất là đội ngũ giảng viên đang công tác tại các trường đại học công lập.
Nhiều người cho rằng, việc thí điểm bỏ biên chế giáo dục có những mặt tích cực để thúc đẩy nhà giáo chú tâm hơn đến chất lượng giáo dục.
Đánh giá về điều này, PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – cho rằng: “Nếu hiểu biên chế là khi đã được vào rồi, sẽ rất khó bị thôi việc, tôi nghĩ nên xóa bỏ, để thúc đẩy nhà giáo liên tục học hỏi, trao dồi thêm kiến thức để đáp ứng với yêu cầu mới của giáo dục.
Còn nếu hiểu biên chế là một vị trí việc làm, thì từ này chỉ đúng với trước kia thôi, còn nay gọi là hợp đồng lao động vô thời hạn”.
PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các trường cũng giống như doanh nghiệp, đều phải tìm mọi cách để giữ chân giảng viên.
Nếu thu nhập thấp, giảng viên sẽ tìm việc nơi khác. Tuy nhiên cái khó hiện này là giảng viên vẫn là một chức danh của Luật viên chức và Luật giáo dục đại học, việc trả lương cơ bản phải tuân theo các quy định của nhà nước.
“Với một giảng viên giỏi, biên chế hay không không quan trọng, chủ yếu bây giờ chúng ta trả lương cho họ như thế nào.
Trong đề án tự chủ, hiện phần lớn các trường đại học đều xác định trả lương theo vị trí việc làm, theo năng suất lao động. Nếu được thông qua sẽ tăng cơ hội để trường ĐH giữ chân người tài” - PGS-TS Trần Văn Tớp cho biết.
Còn một giảng viên khác của một trường đại học ở Hà Nội thì cho rằng, việc giảng viên được hưởng biên chế cũng là niềm động viên để họ cảm thấy được bảo đảm, gắn bó với trường hơn.
Nếu bây giờ mà Bộ GDĐT bỏ biên chế giáo dục ở bậc ĐH thì rất có thể nhiều giảng viên giỏi sẽ rời bỏ trường công lập ra đi.