- Bầu Đức đã từ chối cuộc họp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch với phát biểu trên Saostar là “cảm thấy xấu hổ vì không có bằng Đại học”, ông nghĩ điều ấy có đúng?
Tôi nghĩ rằng, bầu Đức vì tự ái nên không đi họp. Điều ấy cũng chứng tỏ bầu Đức đang rất bức xúc. Ông ấy thấy đến cũng không giải quyết được gì nên tránh xa luôn. Tôi chỉ đoán như thế thôi.
- Thế về tiêu chí bằng cử nhân cho các ứng viên từ phó Chủ tịch đến Chủ tịch VFF khóa VIII, liệu có đúng thưa ông?
Điều lệ Liên đoàn có đề ra đâu. Bóng đá Việt Nam làm gì có tiêu chí đó. Nhiều người không có bằng Đại học vẫn đóng góp tốt. Ví dụ là bầu Đức đâu có bằng Đại học nhưng đóng góp hơn bao nhiêu người khác cho bóng đá.
- Phần lớn ý kiến cho rằng một người như bầu Đức thì không cần bằng cấp, ông nghĩ thế nào?
Nói một cách đúng, thực tiễn bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua thì nhiều người đâu có cần bằng Đại học. Họ vì tình yêu bóng đá nên đóng góp rất nhiều, ông Đức là ví dụ. Học hành là điều tốt để cống hiến, chẳng hạn như HLV Hoàng Anh Tuấn, HLV Hữu Thắng, HLV Huỳnh Đức. Thế nên, cần trân trọng những người có bằng Đại học.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam bây giờ đưa ra chuyện bằng cấp là có ý đồ riêng khi xảy ra trước thềm Đại hội. Tôi nghĩ giống như nhiều người đã nói là nhằm loại ông Đức.
Có những chuyện như thế cho thấy không có sự đoàn kết trong những người yêu bóng đá. Tôi nghĩ có đường dây để người ta bảo vệ nhau trong lần Đại hội này, đưa nhau lên chức. Điều này rất buồn cho bóng đá Việt Nam.
- VFF là tổ chức xã hội nên cần những ông bầu đóng góp, họ vào cũng chắc chắn không để nhận lương. Tuy nhiên, VFF lại ra tiêu chí cử nhân, liệu có bất cập?
Rõ ràng, điều này có nhiều bất cấp trong việc ra tiêu chí bằng cử nhân. Tôi nghĩ câu hỏi rất là đúng, khi VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp thì quy tụ nhiều tầng lớp trong xã hội. Có những ông bầu, những người có nhiều tiền - họ không tham gia hoạt động chuyên môn sâu sắc. Thế nên, không cần bằng nên ra tiêu chí ấy và đặt ra điều ấy là vi phạm điều lệ rồi.
Tôi nghĩ Tiểu ban Nhân sự chuẩn bị Đại hội có ý đồ xấu, nhằm loại những người không đúng ê kíp ra khỏi lãnh đạo VFF sắp tới. Điều ấy có thể nhìn thấy rất rõ.
- Bầu Thắng nói những người vào VFF là tâm huyết, cống hiến cho bóng đá, còn nhận lương thì không nên. Ông có thấy đúng?
Đúng rồi. Những người như ông Thắng, ông Đức, nhiều người khác nữa - họ là doanh nghiệp, không nhận lương, không bổng lộc. Họ có tâm với bóng đá. VFF cần tập hợp đội ngũ này, gọi là những mạnh thường quân.
Bóng đá Việt Nam có nhiều người như thế, ví dụ các người tổ chức Hội cổ động viên cho các đội tuyển. Họ cũng không cần bằng cấp…
Lúc tôi còn làm Tổng biên tập báo Bóng đá, có một ông cụ lớn tuổi gọi điện bảo có 1 loại thuốc có thể trị cho các cầu thủ bị sưng chân. Họ có cần gì đâu, chỉ là vì tình yêu bóng đá. Người Việt Nam yêu bóng đá thuộc diện rất đặc biệt, còn VFF không tập hợp được.
- Nhắc đến chuyện những người cống hiến cho bóng đá, bầu Đức cho rằng người làm ở VFF chỉ cần đẳng cấp chứ không cần bằng cấp. Một quan điểm liệu có đúng?
Tôi cũng nghĩ không cần bằng cấp. Trước hết, người làm ở VFF phải có tâm, có tình yêu bóng đá, có uy tín trong xã hội.
Họ có thể kết nối, kêu gọi tài trợ trong xã hội. Họ làm được thế thì sẽ tôn trọng những người làm chuyên môn, có thể tập hợp các chuyên gia giỏi để bố trí, xếp sắp công việc đúng đắn. Đó mới là Chủ tịch giỏi. Cựu danh thủ cũng tốt, ví dụ như Công Vinh có khả năng kêu gọi được mọi người đóng góp cũng có thể làm Chủ tịch…
- Bầu Đức nghỉ ở VFF sẽ mất mát gì khi ông ấy có 20 năm đóng góp cho bóng đá Việt Nam?
Trước hết, chúng ta sẽ mất uy tín, sau đó là mất một người có tâm, có tầm làm bóng đá. Những việc bầu Đức làm rất thành công. Ông ấy có thể tạo nên một thương hiệu HAGL, cách làm khoa học. Bầu Đức hợp tác với Arsenal để cho ra đời Học viện và một lứa cầu thủ giỏi. Chứng tỏ ông Đức có tâm, có tầm nhìn.
Nói thật nhé, nếu ông Đức được tham gia bầu cử VFF một cách công khai vô tư chứ không như hiện tại, tôi nghĩ 90% sẽ bầu cho ông ấy làm Chủ tịch. Tất nhiên, trường hợp ông Đức chịu ứng cử và bầu vô tư, chứ không kéo bè, kéo phái, dồn phiếu cho người nọ người kia một cách mất công bằng.
Ví dụ bầu Tú ngồi một lúc bao nhiêu ghế như thế thì có thể vận động thêm 10 - 20 người khác nữa… Thế nên, tôi thấy không công bằng, cách làm như thế bè phái, đường dây nối liền với nhau, không thể chọn lựa những vị trí chủ chót một cách khách quan.
Vâng! cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.