Tổng thống ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran lại gặp nhau ở Sochi (Nga). Khuôn khổ diễn dàn gặp cấp cao tay ba này còn được gọi là Diễn đàn Astana bởi nó được tiến hành lần đầu tiên ở thủ đô Astana của Kazakhstan vào năm 2017.
Kể từ đó đến nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rohani đã gặp nhau 3 lần và cuộc gặp này ở Sochi là lần thứ tư.
Tần số ấy hàm ý bộ ba kia coi trọng hình thức gặp gỡ và trao đổi này như thế nào. Thực tế đã cho thấy nó vô cùng hữu ích, đưa lại tác dụng to lớn và rất quan trọng cho ba nước này ở Syria.
Không thống nhất quan điểm và phối hợp hành động theo định hướng được thoả thuận từ những lần gặp cấp cao như thế này, ba nước kia không thể có được thế đứng, vai trò và ảnh hưởng ở Syria như hiện tại đang có. Họ đã cùng nhau xoay chuyển thế cục về quân sự cũng như chính trị ở Syria theo hướng từ bất lợi sang có lợi cho họ.
Bộ ba nhà lãnh đạo Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đã nhóm họp ở Sochi để bàn về tình hình Syria. Ảnh: Điện Kremlin
Ứng phó tình thế mới
Gặp nhau ở Sochi lần này, bộ ba kia phải bàn thảo để nhất trí với nhau về cách ứng phó với tình huống mới ở Syria là Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết sách ấy nhưng không ai dám chắc là ông rồi đây không rút lại quyết định liên quan.
Nếu Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự trực tiếp ở Syria như lâu nay thì cuộc gặp nhau lần thứ 4 của bộ ba kia ở Sochi đơn thuần chỉ là sự tiếp tục những cuộc gặp trước với vẫn những nội dung ấy trên chương trình nghị sự và vẫn những định hướng hành động ấy ở Syria trong tuyên bố chung.
Nhưng nếu Mỹ rút quân khỏi Syria như ông Trump đã tuyên bố thì ở Syria sẽ hình thành cục diện và tương quan mới với hai hệ luỵ trực tiếp ngay tới mưu tính và lợi ích chiến lược của bộ ba kia.
Thứ nhất là Mỹ rút quân sẽ để lại khoảng trống quyền lực và từ đó cả khoảng trống về lãnh thổ ở Syria mà tất cả các bên liên quan, trong đó có bộ ba kia, đều muốn bù lấp và chiếm lấy. Khi đó, cơ hội mới sẽ xuất hiện cho Thổ Nhĩ Kỳ trấn áp người Kurd ở vùng miền bắc Syria và mở rộng hành lang an ninh dọc biên giới với Syria.
Khi ấy, các lực lượng và phần tử khủng bố và Hồi giáo cực đoan sẽ lợi dụng tình thế để trỗi dậy và tăng cường hoạt động.
Khi ấy, quân đội chính phủ Syria cũng rộng đường nhiều lối thực thi những chiến dịch quân sự nhằm vào địch thủ của mình ở Syria.
Khi ấy, cả Nga lẫn Iran cũng đều có điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện những mục đích chính trị cũng như quân sự, an ninh của họ ở Syria.
Thứ hai, tình huống và bối cảnh tình hình mới này ở Syria sẽ làm cho những cọ sát lợi ích và bất đồng quan điểm giữa 3 nước này ở Syria bộc lộ ra ngoài và trở nên sâu sắc, thách thức thật sự sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động hiệu quả lâu nay của họ.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm chủ tình thế ở vùng xung quanh thành phố Idlib và khu vực người Kurd hiện trấn giữ. Nga và phía chính phủ Syria muốn tất cả những "khoảng trống lãnh thổ mới" phải do phía chính phủ Syria kiểm soát. Iran củng cố sự hiện diện và ảnh hưởng quân sự ở Syria. Bên này không chỉ làm bên kia khó xử và lợi ích chiến lược còn có thể xung khắc thật sự.
Ở cuộc gặp nhau lần này tại Sochi, bộ ba phải xử lý tình huống mới ấy. Họ phải dung hoà lợi ích và khắc phục bất đồng quan điểm. Họ phải phô trương đồng thuận và có được thoả thuận cụ thể mới về phối hợp hành động trên thực địa.
Họ phải gây áp lực để Mỹ thực hiện quyết sách rút quân đội ra khỏi Syria. Bản tuyên bố chung được công bố sau cuộc gặp của họ cho thấy bộ ba này đã nhất trí với nhau về nguyên tắc chuyện chia phần ở Syria sau khi Mỹ triệt thoái quân đội.
Theo đó, ba bên tiếp tục cùng nhau tăng cường các hoạt động quân sự nhằm vào các phần tử khủng bố, các lực lượng Hồi giáo cực đoan và tàn quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Nga, Iran và phía chính phủ Syria để cho Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề Idlib và người Kurd nhưng vẫn phải đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria không bị tổn hại.
Bộ ba này tiếp tục thúc đẩy quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho Syria theo cách riêng của họ bất kể có được hay không được thông qua ở LHQ. Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria thì bộ ba này càng dễ dàng tạo thêm sự đã rồi ở Syria.
Syria hiện như trước một ngã ba đường. Nếu Mỹ không rút quân khỏi Syria thì mọi chuyện tới đây tiếp tục diễn biến nhì nhằng như lâu nay. Nếu Mỹ rút quân khỏi xứ ấy thì mọi chuyện có thể sẽ diễn biến rất nhanh chóng và chuyển giai đoạn.
Nhưng dù rẽ vào lối đường nào thì bộ ba kia vẫn nắm giữ vai trò quyết định hơn cả. Bởi thế, cuộc hội ngộ lần thứ 5 của họ chắc chắn sẽ không để cho phải chờ đợi lâu.
Tiêu đề do toàn soạn đặt lại.