Hàn Quốc trong cái nhìn của bạn bè thế giới là một quốc gia giàu có với công nghệ tiên tiến, những tòa nhà chọc trời ấn tượng và nền văn hóa (âm nhạc, thời trang, ẩm thực) nổi tiếng khắp năm châu.
Tuy nhiên, có một góc của xứ sở kim chi trái ngược hoàn toàn với vẻ hào nhoáng mà du khách vẫn thường thấy, gói gọn trong từ "Goshiwon" hay "Goshitel" – những căn nhà "hộp" rẻ mạt, tù túng và nhỏ đến nỗi không đủ không gian để duỗi chân, chỉ dành cho sinh viên và tầng lớp thu nhập thấp của xã hội.
Từng có 5 năm trải nghiệm cuộc sống trong căn phòng o hẹp đến nghẹt thở đó, Sim Kyudong, một nhiếp ảnh gia đã ghi lại những thước ảnh trần trụi về con người cư trú tại đây. Sim Kyudong là người tỉnh Gangwon lên Seoul làm việc.
Điều kiện kinh tế khó khăn khiến anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thuê một căn Goshiwon bởi giá thuê thấp và không cần tiền cọc hay tốn phí bảo trì.
Theo lời vị nhiếp ảnh gia, Goshiwon ban đầu được xây dựng phục vụ các sĩ tử tới tá túc để ôn luyện cho các kỳ thi quốc gia.
Lâu dần, đây trở thành lựa chọn của cả những người nghèo và người lao động nhập cư. Vì giá rẻ nên chất lượng của các phòng sinh viên này cũng rất "khiêm tốn".
Mỗi phòng chỉ rộng vỏn vẹn khoảng 5m2, vừa đủ để kê một chiếc giường đơn nhỏ, một kệ để đồ và chỉ dư ra một lối nhỏ để có thể đi ra đi vào, mọi người thường phải sử dụng nhà tắm và bếp chung, và đó thực sự là một nỗi ám ảnh.
Dù đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu, thế nhưng không gian gò bó, ngột ngạt, ẩm mốc và cũ kỹ cùng chất lượng sống kém khiến nhiều người rơi vào trầm cảm, bao gồm cả nhiếp ảnh gia Sim.
Goshitel cũng tương tư như Goshiwon nhưng không gian nhỉnh hơn một chút. Tuy vậy, nhiều người vẫn xem Goshiwon và Goshitel là một.
Không gian sống kém chất lượng khiến nhiều người rơi vào trầm cảm.
Tùy vào vị trí cũng như chất lượng phòng ốc mà mỗi căn phòng siêu nhỏ này có giá từ 200 nghìn đến 500 nghìn won (khoảng từ 3,9 đến 9,8 triệu VNĐ)/tháng – giá thuê rất rẻ so với một phòng trọ tử tế ở Hàn Quốc.
Một số Goshiwon mới xây dựng có chất lượng tốt hơn và đẹp mắt hơn, tuy vậy, chúng vẫn chật chội đến nghẹt thở.
Dẫu vậy, vị nhiếp ảnh gia vẫn cho rằng đây là nơi ở tốt. Anh chia sẻ, mỗi khi nói với ai rằng mình đang ở Goshiwon, họ đều tỏ thái độ "có gì đó sai sai" và hỏi tế nhị xem liệu rằng anh có đang chuẩn bị cho kỳ thi nào đó.
Gắn bó với căn phòng nhỏ bé suốt nhiều năm, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi luôn cảm thấy không vui trước những định kiến mà người ta gán cho chúng.
Dù chật hẹp, nghèo nàn nhưng Goshiwon vẫn có những giá trị của riêng nó.
Nó không chỉ là nơi tá túc của sĩ tử trước những kỳ thi cam go mà đã dần trở thành nơi nương tựa của tầng lớp có thu nhập thấp, giúp họ có chốn để trở về trong những năm tháng khó khăn của cuộc đời.
Vì thế mà Kyudong quyết định thực hiện một bộ sưu tập về các vị hàng xóm tại nơi ở của mình.
Anh cho rằng, một khi mọi người có thể thay đổi nhận thức về Goshiwon thông qua hình ảnh đẹp, đó sẽ là một điều vô cùng ý nghĩa đối với những người co mình trong căn phòng 5m2.
Sim Kyudong vốn không theo học bất cứ trường lớp nghệ thuật nào. Ban đầu anh học điều dưỡng. Thiếu sự yêu nghề, chàng thanh niên nhanh chóng rời bỏ công việc và thử qua nhiều lĩnh vực.
Cuối cùng anh tìm thấy ở mình niềm đam mê chụp ảnh. Anh bắt đầu làm thợ chụp hình du lịch và đám cưới.
Cảm thấy lạc lõng khi những bức ảnh thương mại của mình thiếu vắng sự tinh tế, hiện thực và ý nghĩa, chính lúc đó, Goshino đã đem đến cho anh ý tưởng.
Một tòa Goshiwon nhìn từ bên ngoài.
Là một người nghiệp dư, cậu trai mới chân ướt chân ráo vào nghề đã gặp rất nhiều khó khăn mới có thể hoàn thành dự án của mình và đưa nó đến với người thưởng thức.
Ngày xuất bản những thước ảnh Goshino, anh chính thức được gọi là nhiếp ảnh gia.