Vào năm 2014, nhiếp ảnh gia người California (Mỹ) Gregg Segal đã công bố tác phẩm gây tiếng vang lớn bậc nhất trong sự nghiệp của anh. Bộ ảnh chụp mọi người, ở mọi lứa tuổi, thuộc mọi ngành nghề, xuất thân ở 3 bối cảnh thiên nhiên khác nhau - nước, bãi biển và rừng - những bối cảnh được lấy từ thiên nhiên để nêu bật sự tương phản với "nhân vật chính" trong ảnh: rác thải.
Những người tham gia được yêu cầu thu gom và lưu trữ rác thải của họ trong một tuần - bao gồm cả rác tái chế để thực hiện bộ ảnh táo bạo của Gregg.
7 Days of Garbage (tạm dịch: 7 ngày rác thải) nhìn vào rác theo cách khiến cho vấn nạn tiêu thụ, sự dư thừa và lãng phí trở nên không thể bỏ qua. Nhiếp ảnh gia đã yêu cầu bạn bè, gia đình, hàng xóm và những người quen khác cất rác của họ trong một tuần, sau đó nằm xuống và chụp ảnh trong đó.
Gregg cho biết: “Một số đối tượng đã chỉnh sửa rác của họ, loại bỏ những thứ thực sự có mùi, trong khi những người khác thì trung thực với ý tưởng của tôi và mang theo mọi thứ. Tôi thậm chí còn tìm thấy băng vệ sinh trong rác của một người. Tôi muốn thu hút toàn bộ sự chú ý của người xem ảnh vào lượng rác mà chúng ta thải ra. Và đây là một cách nói thẳng với mọi người rất trực tiếp. Tôi muốn nhắm thẳng vào vấn đề chính.”
"Đây là một bản ghi chép không chỉ về rác thải của chúng ta mà còn về các giá trị của chúng ta. Trong những bức ảnh này, các đối tượng (bao gồm cả tôi và gia đình tôi) vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm; chúng ta là những bánh răng trong một cỗ máy mà chúng ta cảm thấy nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Nhưng chúng ta có khả năng thay đổi thói quen tiêu dùng của mình. Mục tiêu sâu xa hơn của 7 Days of Garbage là trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi và đóng góp vào một cộng đồng đang phát triển, chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng toàn cầu về sự dư thừa và lãng phí" , anh cho biết thêm.
Nếu bạn chưa bao giờ nghĩ đến lượng rác thải khổng lồ mà mình thải ra thì đây chính là lời nhắc nhở khó quên dành cho chính chúng ta:
Chúng ta xả bao nhiêu rác?
Chất thải và xử lý chất thải là một vấn đề lớn mà thế giới đang phải đối mặt. Trung bình hàng năm, có 2,12 tỷ tấn chất thải được thải ra trên toàn thế giới. Trong số chất thải đó, 1,3 tỷ tấn là thực phẩm, tức là hơn ba nghìn tỷ bữa ăn bị lãng phí mỗi năm, chiếm khoảng một phần ba tổng lượng thực phẩm được tạo ra để con người tiêu thụ.
Nếu số chất thải khổng lồ mỗi ngày con người sử dụng không được quản lý đúng cách, cuối cùng nó sẽ chỉ đi đến một nơi duy nhất: bãi rác. Thêm vào đó là các yếu tố như dân số tăng, nhu cầu liên tục về sản phẩm dùng một lần và thời hạn sử dụng ngắn của mọi thứ từ điện thoại thông minh đến giày thể thao là những lý do khiến chất thải tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động.
Ít nhất 33% chất thải của hành tinh không được xử lý theo cách an toàn với môi trường. Đó chỉ là con số ước tính, nghĩa là tỷ lệ phần trăm cuối cùng có thể còn đáng sợ hơn. Lượng rác thải trung bình hàng ngày của mỗi người trên toàn thế giới là 0,74 kg. Tuy nhiên, phạm vi này có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào địa điểm. Con số này dao động từ 0,11 kg đến 4,54 kg.
Đến năm 2050, dự kiến lượng rác thải toàn cầu sẽ tăng lên 3,40 tỷ. Mức tăng trưởng này cao gấp đôi mức tăng trưởng dân số trong cùng kỳ. Người ta cũng ước tính rằng hàng năm các đại dương trên thế giới bị ô nhiễm bởi 10 triệu tấn nhựa. Chỉ tính riêng ở Mỹ, 25 triệu chai nhựa bị vứt đi mỗi giờ.
Vậy chất thải của chúng ta đi về đâu? Nhìn chung, có hai nơi mà rác thải của chúng ta sẽ đi đến: bãi chôn lấp hoặc tái chế. Rõ ràng tái chế là phương pháp được khuyến khích. Tuy nhiên, tái chế không phải lúc nào cũng là một lựa chọn, nhất là khi xét về mặt kinh tế. Hiện nay, chỉ có khoảng 20% rác thải điện tử được tái chế trên toàn cầu.
Nguồn: The Guardian