Ông Trần (70 tuổi) sinh sống tại Thành Đô, Trung Quốc. Ông và vợ có hai người con là Trần Hạo và Trần Đình. Con trai ông thông minh và chăm học từ khi còn nhỏ. Anh được nhận vào một trường đại học danh tiếng và tìm được một công việc tử tế ở một thành phố lớn sau khi tốt nghiệp. Cô con gái Trần Đình học hết cấp 3 thì dừng lại. Cô mở một cửa hàng tạp hóa tại quê hương, nhưng việc kinh doanh chỉ đủ ăn, đủ tiêu.
Con gái rồi sẽ là con của người ta...
Dù cả hai người con của ông Trần đều đã trưởng thành và lập gia đình nhưng ông vẫn luôn ưu ái con trai hơn. Ông cảm thấy chỉ có con trai mình mới có thể thành công và là niềm tự hào của gia đình. Về phần con gái, ông có chút thất vọng. Hơn nữa, ông cho rằng con gái rồi sẽ là con của người ta.
Vợ mất sớm, ông Trần một mình vất vả nuôi con. Tuy nhiên, sự thiên vị của ông đã ảnh hưởng đến tâm lý của con gái. Trần Đình luôn cảm thấy mình không được quan tâm, bất cứ thứ gì tốt đều phải nhường cho anh trai.
Sau khi mở cửa hàng, cô cũng dọn ra ngoài ở. Ngày cô lập gia đình, cha chỉ cho một chút tiền làm của hồi môn. Về sau, khi con trai lấy vợ, ông đem toàn bộ 3 triệu NDT (khoảng 10,5 tỷ đồng) và mua một ngôi nhà cho con.
Điều ông không ngờ là con trai Trần Hạo chọn sống ở thành phố, một năm cũng chỉ về thăm ông vào ngày lễ, tết. Ngày thường, cuộc sống của ông đều được con gái chăm lo. Tuy nhiên tuổi càng cao, sức khỏe của ông càng yếu. Số tiền ông còn lại không đủ chi trả cho những lần đi khám tại bệnh viện. Nhiều lần ông phải vay của con gái. Con trai ông Trần ở xa không hề biết đến chuyện này.
Một ngày, ông Trần đến gõ cửa nhà con gái để vay 50.000 NDT (khoảng 175 triệu đồng). Lần này, Trần Đình không thể giữ bình tĩnh. Cô tức giận hét lên: "Ông cho con trai 3 triệu NDT và 1 căn nhà kia mà. Ông cho ai tiền thì đến mà tìm người đó".
Ông Trần sửng sốt. Đến lúc này ông mới nhận ra mình đã đối xử thiếu công bằng với hai con, trong lòng tràn ngập cảm giác tội lỗi. Sau một đêm suy nghĩ, ông quyết định gọi các con về để nói chuyện.
Hàn gắn tổn thương của quá khứ
Khi gia đình đã đông đủ, ông Trần thừa nhận sai lầm của mình khi đã thiên vị anh trai. Do đó, ông quyết định sẽ sang tên ngôi nhà đang ở hiện tại cho con gái. Ngôi nhà tuy không có giá trị lớn bằng số tài sản ông cho con trai nhưng ông hy vọng con có thể hiểu và tha thứ cho lỗi lầm của mình.
Lúc này, anh trai Trần Hạo mới nhận ra suốt nhiều năm qua, bản thân đã quá mải mê lập nghiệp ở thành phố mà quên đi việc chăm sóc cha già cũng như quan tâm đến em gái. Anh nói lời xin lỗi với Trần Đình và nhận trách nhiệm chăm sóc cha từ nay về sau.
Về phía Trần Đình, cô nhận được lời xin lỗi tuy muộn màng nhưng quý giá. Suy cho cùng, tình thân là điều không thể buông bỏ. Nút thắt suốt bấy lâu nay của cô cũng được tháo gỡ.
Kết
Từ câu chuyện trên chúng ta thấy, cha mẹ không nên thể hiện sự thiên vị trong lời nói cũng như hành động đối với bất cứ người con nào. Bạn phải suy nghĩ về tương lai của con bạn, cũng như cân nhắc về tình cảm giữa các con trong suốt quãng đời còn lại của chúng.
Về lâu dài, nếu cha mẹ thể hiện quá ưu ái, thiên vị một người con nào thì tình cảm gia đình có thể bị lung lay. Cho dù hiện tại hay tương lai, các anh chị em trong nhà sẽ luôn có sự so sánh, đố kị về những điều mà cha mẹ đã dành cho đối phương. Cuối cùng, những mâu thuẫn này sẽ dẫn tới xích mích, rạn nứt tình cảm gia đình, thậm chí nhiều người còn từ mặt nhau, không bao giờ nói chuyện nữa.
Trong việc nuôi dạy con cái, cha mẹ cần phải công bằng, đối xử với con cái bằng tất cả tình thường, thay vì "nhất bên trọng, nhất bên khinh". Việc trẻ được sống trong môi trường được yêu thương nhất định sẽ có cơ hội phát triển toàn diện. Tình cảm giữa bố mẹ với con cái, giữa các anh em chị cũng được duy trì tốt đẹp.
Theo Sohu