Phát hiện từ khối u bé xíu
Anh Nguyễn X.Q (40 tuổi trú tại Hà Nội) có tiền sử mắc viêm gan virus B mạn tính nhiều năm nay vẫn tuân thủ đi khám và điều trị định kỳ. Các lần khám anh Q đều được làm xét nghiệm định lượng AFP trong máu kết quả dao động dưới 50ng/ml. Siêu âm ổ bụng thấy nhu mô gan thô, không có khối bất thường.
Trong lần kiểm tra định kỳ lần này, anh Q vẫn là các xét nghiệm và kết quả vẫn không có gì bất thường.
Sau đó, bác sĩ tư vấn anh lên làm xét nghiệm bộ ba: AFP, AFP-L3 VÀ PIVKA-II để sàng lọc phát hiện sớm ung thư gan sớm nhất, rất tốt cho những bệnh nhân bị viêm gan virus.
Xét nghiệm bộ ba AFP, AFP-L3 VÀ PIVKA-II có thể giúp phát hiện sớm ung thư gan
Anh Q đồng ký làm xét nghiệm và kết quả xét nghiệm AFP: 42,7 ng/mL. AFP-L3: 17,9 % nhưng PIVKA-II tăng bất thường lên tới 1266 mAU/ml. Chỉ số này cao gấp 31 lần người bình thường.
Ngay sau đó, anh Q được bác sĩ cho chỉ định chụp CT ổ bụng và kết quả chụp CT gan kích thước bình thường, bờ đều; nhu mô gan hạ phân thùy VI có khối u kích thước 31x37mm ngấm thuốc mạnh sau tiêm.
Ngay lập tức anh Q được nhập viện để theo dõi điều trị ung thư gan giai đoạn sớm. Trường hợp ung thư gan giai đoạn sớm như của anh Q thì cơ hội điều trị thành công rất cao, giảm chi phí trong quá trình điều trị. Đây được coi là bước cải tiến trong việc phát hiện sớm ung thư gan để bệnh nhân ung thư gan được phát hiện sớm hơn, giảm tỷ lệ tử vong.
Căn bệnh đứng đầu ở Việt Nam
GS Mai Trọng Khoa, Nguyên Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Hà Nội cho biết theo số liệu của Globocan 2018 thì ung thư gan có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đứng hàng thứ nhất trong các bệnh ung thư ở Việt Nam. Trên thế giới, ung thư gan đứng hàng thứ sáu trong các bệnh ung thư hay gặp và đứng hàng thứ tư trong các nguyên nhân gây tử vong do ung thư.
Còn tại Việt Nam ung thư gan năm 2018, có 25 nghìn người mắc và 19.500 người là nam giới, tỷ lệ tử vong của ung thư gan vẫn còn rất cao do bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn, bệnh tiến triển, di căn đa ổ. Tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, bệnh nhân đến điều trị ung thư gan luôn đứng danh sách đông nhất của trung tâm.
Cách phát hiện ung thư gan sớm nhất
Ung thư biểu mô tế bào gan nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và điều trị đúng phương pháp sẽ có tiên lượng khả quan. Tỷ lệ sống 5 năm đối với bệnh nhân được điều trị là 50-70%. Chính vì vậy mà các biện pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư biểu mô tế bào gan hiện rất được chú trọng nghiên cứu và phát triển.
Theo GS Khoa hiện nay các tổ chức ung thư học trên thế giới đều công nhận việc siêu âm đánh giá nhu mô gan kết hợp xét nghiệm chất chỉ điểm khối u (AFP) trong huyết thanh định kỳ ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư biểu mô tế bào gan, là phương pháp sàng lọc hiệu quả.
Tuy nhiên siêu âm đánh giá nhu mô gan rất khó phát hiện được khối u thể thâm nhiễm. Còn xét nghiệm AFP có tới khoảng 35% là âm tính giả trong các trường hợp ung thư gan. Vì điều này mà các nhà nghiên cứu trên thế giới đã nỗ lực tìm kiếm một phương pháp sàng lọc có hiệu quả cao hơn.
Việc xét nghiệm kết hợp định lượng 3 yếu tố AFP, AFP-L3 và PIVKA-II giúp phát hiện sớm được ung thư gan. Với chỉ số AFP, đây là chất chỉ điểm ung thư biểu mô tế bào gan trong máu; AFP có 3 thể khác nhau AFP-L1, AFP-L2 và AFP-L3, duy chỉ có AFP-L3 sẽ tăng ở khoảng 35% những trường hợp u gan giai đoạn sớm khi kích thước còn nhỏ.
Khi AFP-L3 tăng có thể chỉ ra một tình trạng sớm của ung thư biểu mô tế bào gan, đôi khi sớm hơn phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan bằng chẩn đoán hình ảnh (khoảng 2-3 tháng).
PIVKA-II hay des-gamma-carboxy prothrombin (DCP) là prothrombin bất thường, vai trò của PIVKA-II trong chẩn đoán và tiên lượng, đánh giá hiệu quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan được triển khai nghiên cứu và áp dụng trong lâm sàng nhiều nhất tại Nhật Bản. Gần đây, vai trò của PIVKA-II được chú ý nhiều hơn tại châu Âu, Hoa Kỳ cũng như Châu Á.
Phần lớn các nghiên cứu ở Nhật Bản và Châu Á cho thấy PIVKA-II có vai trò tốt hơn AFP, đặc biệt tương quan với kích thước khối u, hình thành huyết khối, hay xâm lấn mạch máu, đánh giá khả năng tái phát sau điều trị. PIVKA-II hiện diện trong 91% bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan trong khi AFP là khoảng 80%.
Vì vậy GS Khoa khẳng định xét nghiệm bộ ba AFP, AFP-L3 và PIVKA II phối hợp với siêu âm ổ bụng là xét nghiêm hiệu quả, có độ đặc hiệu cao, đơn giản dễ thực hiện để phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn sớm.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gan như nam giới trên 50 tuổi có mắc viêm gan B hoặc viêm gan C, xơ gan, bệnh gan nhiễm mỡ. Chính vì vậy, những người nằm trong nguy cơ có thể mắc ung thư có thể tầm soát sớm ung thư gan, thăm khám định kỳ để tìm ra bệnh sớm nhất.