Quan chức Nga bác đề xuất của Mỹ về đóng băng kho vũ khí hạt nhân

Hà Dung |

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov mô tả "không thể chấp nhận được" đối với đề xuất của Mỹ về việc đóng băng kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ ở mức hiện tại để đổi lấy việc gia hạn hiệp ước START mới giữa Nga-Mỹ về việc cắt giảm hơn nữa vũ khí tấn công chiến lược.

"Đây là một đề xuất không thể chấp nhận được", nhà ngoại giao Nga trả lời khi được đề nghị bình luận về sáng kiến được Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Kiểm soát Vũ khí Marshall Billingslea đưa ra trước đó cùng ngày.

Trước đó, hãng tin TASS cho biết, phát biểu tại một hội nghị trực tuyến do Quỹ Di sản tổ chức ngày 13/10, ông Billingslea cho biết đất nước của ông sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới nếu cả Nga và Mỹ đồng ý hạn chế hoặc đóng băng kho vũ khí hạt nhân của họ.

"Trên thực tế, chúng tôi sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới trong một khoảng thời gian, với điều kiện là họ đồng ý hạn chế hoặc đóng băng kho vũ khí hạt nhân của họ. Chúng tôi cũng sẵn sàng làm điều tương tự", Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Kiểm soát Vũ khí cho hay.

Theo ông Billingslea, Mỹ đã đề xuất một thỏa hiệp: "Đồng ý với chúng tôi về việc đóng băng và chúng tôi sẽ gia hạn Hiệp ước START mới trong một khoảng thời gian".

"Chúng tôi đã sẵn sàng để đạt được thỏa thuận này, trên thực tế, chúng tôi có thể thực hiện nó vào ngày mai, nhưng Moscow cũng sẽ phải thể hiện ý chí chính trị để làm như vậy", ông Billingslea nói thêm.

Hiệp ước giữa Mỹ và Nga về các biện pháp cắt giảm và hạn chế thêm vũ khí tấn công chiến lược (Hiệp ước START mới) có hiệu lực vào ngày 5/2/2011.

Văn kiện này quy định rằng 7 năm sau khi có hiệu lực, mỗi bên có không quá tổng cộng 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược, cũng như không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM đã triển khai, SLBM đã triển khai và máy bay ném bom chiến lược, cùng tổng cộng 800 bệ phóng ICBM đã triển khai và không triển khai, bệ phóng SLBM và máy bay ném bom chiến lược.

Hiệp ước START mới sẽ có hiệu lực trong 10 năm, cho đến năm 2021, trừ khi nó được thay thế trước ngày đó bằng một thỏa thuận tiếp theo về cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược.

Nó cũng có thể được gia hạn không quá 5 năm (nghĩa là đến năm 2026) nếu các bên đồng ý.

Moscow đã nhiều lần kêu gọi Washington không trì hoãn việc kéo dài hiệp ước mà nước này coi là tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực giải trừ quân bị.

Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times vào cuối tháng 6/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, một khi hiệp ước trên không còn tồn tại, "khi đó trên thế giới sẽ không có công cụ nào để hạn chế chạy đua vũ trang".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại