Trung Quốc thường được miêu tả là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và chẳng mấy chốc sẽ vượt Mỹ để đứng đầu. Rất nhiều số liệu về tăng trưởng, GDP, thương mại… cũng cho thấy khả năng này trong tương lai.
Điều đáng nói ở đây là nếu xét theo tiêu chuẩn sức mua tương đương (Purchasing Power Parity), nền kinh tế Trung Quốc trên thực tế đã trở thành số 1 thế giới.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn chỉ là nước nghèo và thậm chí nghèo hơn rất nhiều so với Mỹ. Những con số thống kê của Trung Quốc chỉ mang tính chất tượng trưng chứ không chứng minh được tiêu chuẩn sống giàu có mà một nước phát triển nên có.
Một trong những yếu tố chủ chốt của tranh luận trên là sự khác biệt giữa thu nhập (Income) và sự giàu có (Wealth).
Những chỉ số như GDP chỉ đo lường được thu nhập, tổng sản phẩm quốc dân tạo ra được trong một năm trong khi sự giàu có của một đất nước phải tính đến tổng nguồn lực dự trữ được của quốc gia đó cùng nhiều tiêu chuẩn khác nữa.
Điều đáng lưu ý nữa là đối với những nước mới giàu, khoảng cách giữa thu nhập và sự giàu có là khá lớn so với những nước đã là quốc gia phát triển rất nhiều năm như Mỹ.
Phân biệt giàu nghèo tại Trung Quốc còn khá lớn, nhiều người dân vẫn thuộc diện đói ăn
Theo ước tính của chuyên gia Michael Beckley dùng số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) và Liên Hiệp Quốc (UN), Mỹ có khả năng giàu gấp 3 lần so với Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết luận trên là lượng tài nguyên thiên nhiên dự trữ của Mỹ dồi dào hơn nhiều so với Trung Quốc.
Chính quyền Washington cũng có những biện pháp thích hợp để gìn giữ các tài nguyên và tiêu chuẩn sống. Việc bảo vệ nguồn nước, không khí, đất hay thậm chí hạn chế khai thác dầu mỏ trước đây đều cho thấy Mỹ có tầm nhìn chiến lược trong việc giữ gìn "tài sản" quốc gia.
Ví dụ điển hình nhất là Mỹ có nhiều nguồn nước sạch hơn Trung Quốc cũng như phổ cập chúng rộng rãi hơn. Trong khi đó tại những tỉnh miền Bắc Trung Quốc, thiếu nước ngọt và ô nhiễm nguồn nước là thách thức mà chính phủ chưa thể giải quyết triệt để.
Mỹ cũng là nước có nhiều tài nguyên năng lượng như dầu mỏ hơn Trung Quốc, bởi vậy họ ít phải phụ thuộc vào nước ngoài về nhiên liệu hơn so với đối tác ở bên kia Thái Bình Dương. Nền kinh tế số 1 thế giới cũng biết gìn giữ để có nhiều đất nông nghiệp khả dụng hơn Trung Quốc và hiện vẫn là nước xuất khẩu nông sản số 1 thế giới.
Tất nhiên, đóng góp vào GDP của những tài nguyên này là không nhiều so với nhiều mảng kinh tế khác nhưng chúng cho thấy khả năng phát triển dài hạn cũng như tiềm lực của một quốc gia giàu có mà những nước mới nổi như Trung Quốc chưa thể đạt tới.
Chính quyền Bắc Kinh hiện đang rất đau đầu với thách thức ô nhiễm đất, xói mòn đất cũng như ô nhiễm không khí, vốn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế trong dài hạn.
Một yếu tố nữa khiến nhiều chuyên gia đánh giá Trung Quốc vẫn chưa thực sự là nước giàu nằm ở mảng nhân lực và giáo dục. Trong khi Mỹ có rất nhiều trường đại học danh giá hàng đầu thế giới thì Trung Quốc chỉ có một vài trường nằm trong bảng đánh giá chất lượng quốc tế.
Những ông lớn như Harvard, Princeton hay MIT đã đóng góp lượng lớn nghiên cứu và đào tạo được rất nhiều thế hệ tài năng cho Mỹ, điều mà những trường đại học Trung Quốc còn lâu mới làm được.
Bên cạnh đó, trong khi Mỹ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực cho cơ sở hạ tầng nhờ tránh được các cuộc chiến thì Trung Quốc đang phải tốn tiền đầu tư xây dựng lại rất nhiều công trình sau những năm tháng chiến tranh tàn phá.
Trong khi chính quyền địa phương Trung Quốc vẫn phải đổ tiền xây dựng thêm nhà ở cho lực lượng lao động mới từ nông thôn thì Mỹ đã có sẵn rất nhiều nhà ở cho lao động của họ.
Đối nghịch những thành phố hiện đại là một vùng quê nghèo đang khốn khổ vì ô nhiễm tại Trung Quốc
Thậm chí về mảng tàu cao tốc, vốn là niềm tự hào của Trung Quốc thì với thu nhập bình quân đầu người chỉ tương đương Mexico, những dự án này cũng chẳng đóng góp được là bao với nền kinh tế khi người dân chẳng đủ tiền để sử dụng.
Rõ ràng, việc Mỹ giàu có rất nhiều năm đem lại cho quốc gia này những lợi thế mà Trung Quốc khó lòng bắt kịp. Ví dụ như giá trị hình ảnh công ty của hàng loạt thương hiệu Mỹ cao hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp Trung Quốc.
Thậm chí những tập đoàn lớn như Alibaba hay Huawei của Trung Quốc chỉ nổi tiếng trong nước mà không được nhiều người tiêu dùng nước ngoài đón nhận.
Nói đến những cái tên Coca Cola, McDonald’s, Google…thì chưa có một doanh nghiệp Trung Quốc nào đủ xứng tầm cạnh tranh. Người tiêu dùng thế giới vẫn đang và sẽ cuồng thương hiệu Mỹ chứ chẳng mấy ai cuồng hàng Trung Quốc.
Ngay cả đến mảng ẩm thực, dù món ăn Trung Quốc được nhiều người ưa chuộng trên thế giới nhưng phần lớn thực khách của những nhà hàng Trung Hoa vẫn là người gốc Trung Quốc.
Hãy cùng xem xét một ví dụ thú vị. Khi nói đến các tỷ phú hàng đầu thế giới như Bill Gates hay Warren Buffett, người ta chẳng mấy khi để ý họ kiếm được bao nhiều tiền (Income) trong năm nay mà là xem tổng tài sản của họ (Wealth) tăng giảm như thế nào. Số tài sản này được tích lũy qua nhiều năm tháng và đó mới là thứ làm nên thương hiệu của một "đại gia".
Tất nhiên, người Mỹ chẳng thể thư giãn khi Trung Quốc đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ, nhưng bất kỳ sự so sánh nào cũng cần những dẫn chứng cụ thể và thực tế. Một nhà khởi nghiệp mới trỗi dậy kiếm được nhiều tiền nhất năm vẫn chưa thể so sánh được với các tỷ phú đã nằm trong tóp những người giàu nhất thế giới nhiều năm liền.