Bloomberg: Sẽ không có quốc gia nào thay thế được Trung Quốc trong vai trò công xưởng thế giới, thay vào đó là những 'Trung Quốc phiên bản mini'

Thu Hương |

Không quốc gia nào có thể đạt được sự thành công giống như những gì Trung Quốc đã tận hưởng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đã thổi bùng lên cuộc tranh luận về việc nền kinh tế đang phát triển nào ở châu Á có thể thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới. Ấn Độ và Indonesia là 2 cái tên được nhắc đến nhiều nhất.

Tuy nhiên, theo một báo cáo mới được Bloomberg Economics công bố, không quốc gia nào có thể đạt được sự thành công giống như những gì Trung Quốc đã tận hưởng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Thay vào đó, đang có một nhóm các nền kinh tế có tiềm năng thay thế Trung Quốc, trong đó mỗi nền kinh tế đang nỗ lực tận dụng lợi thế của mình nhưng lại bị cản đường bởi những vấn đề mang tính cấu trúc như cơ sở hạ tầng không tương xứng hoặc bất ổn chính trị.

Bloomberg: Sẽ không có quốc gia nào thay thế được Trung Quốc trong vai trò công xưởng thế giới, thay vào đó là những Trung Quốc phiên bản mini - Ảnh 1.

Mạng lưới phức tạp tinh vi gồm các nhà máy, nhà cung ứng, dịch vụ hậu cần và cơ sở hạ tầng vận tải của Trung Quốc được phát triển trong một thời kỳ hoàn toàn khác, được hỗ trợ bởi tiền bạc và công nghệ từ Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông ở thời điểm mà các vấn đề môi trường, quyền của người lao động chưa được quan tâm sát sao như hiện tại. Trung Quốc còn có lực lượng lao động giá rẻ, dồi dào và trong gần 3 thập kỷ gần như không đối mặt với bất kỳ rào cản nào khi thâm nhập thị trường toàn cầu.

Bloomberg Economics xem xét đến 6 khía cạnh - từ lao động đến môi trường kinh doanh - của 10 nền kinh tế châu Á để tìm ra nền kinh tế đang phát triển nào sẽ tiến lên chiếm lĩnh miếng bánh lớn hơn trong ngành sản xuất.

"Không một nền kinh tế đơn lẻ nào có khả năng đi vừa chiếc hài mà Trung Quốc để lại", các chuyên gia Chang Shu và Justin Jimenez viết trong báo cáo. "Nhiều nơi có lợi thế chi phí rẻ, nhưng ngoại trừ Ấn Độ thì tất cả đều có quy mô quá bé so với Trung Quốc. Và tất cả đều phải đối mặt với các thách thức về năng lực cạnh tranh".

Ấn Độ đứng đầu về tiềm năng xuất khẩu nhờ có dân số đông đảo. Đứng thứ hai là Indoneisa, thứ 3 là Việt Nam.

Một phần vấn đề là cần phải tạo ra được các chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ mạng lưới kết nối rộng lớn giống như ở các thành phố công nghiệp của Trung Quốc. Đây là điều không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai bởi mạng lưới đó đã được các doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc bồi đắp trong một thời gian dài.

Lấy ví dụ như Quanzhou Kuisheng, 1 công ty sản xuất các thiết bị trang trí nhà cửa và sân vườn ở Tuyền Châu, thuộc tỉnh Phúc Kiến. Thuế quan của ông Trump khiến doanh số bán hàng của công ty sụt giảm 30%, nhưng từng đó là chưa đủ để công ty nghĩ đến việc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Thay vào đó, họ bù đắp bằng cách theo đuổi những chiến lược khác, chẳng hạn như tăng cường hoạt động ở châu Âu.

Theo chia sẻ của giám đốc kinh doanh Will Huang thì "Việt Nam có lao động giá rẻ hơn nhưng văn hóa làm việc rất khác. Những người công nhân Trung Quốc có kỹ năng tốt hơn và sẵn sàng làm thêm ngoài giờ hơn". Không giống như ở Việt Nam, hàng sản xuất ở Trung Quốc ít khi cần đến bên thứ ba kiểm định chất lượng. Huang cho biết vài năm qua chỉ có 2 công ty đối thủ ở Tuyền Châu chuyển nhà máy sang Việt Nam.

Trung Quốc vẫn có những lợi thế khác như thị trường tiêu thụ rộng lớn và doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn. Suốt mấy chục năm qua các nhà máy Trung Quốc đã phải tự cạnh tranh với nhau, tìm ra nhiều cách để cắt giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Thực ra thì chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc liên tục giảm trong mấy tháng gần đây, chủ yếu nhờ chi phí năng lượng giảm, do đó các nhà máy ở nước ngoài khó có thể cạnh tranh. Và những diễn biến tích cực của cuộc chiến thương mại có thể phần nào giúp giảm bớt áp lực lên các nhà sản xuất Trung Quốc.

Bloomberg: Sẽ không có quốc gia nào thay thế được Trung Quốc trong vai trò công xưởng thế giới, thay vào đó là những Trung Quốc phiên bản mini - Ảnh 2.

Ấn Độ bắt đầu nỗ lực đuổi kịp khả năng sản xuất của Trung Quốc từ 5 năm trước, khi Thủ tướng Narendra Modi thông báo về sáng kiến "Make in India" với nhiều ưu đãi dành cho các công ty nước ngoài muốn mở nhà máy tại đây.

Đến năm 2050, Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới, và số dân trong độ tuổi lao động cũng được dự báo sẽ chạm mốc 1 tỷ người. Tuy nhiên, lợi thế nguồn cung lao động giá rẻ đã bị triệt tiêu bởi các yếu tố khác, ví dụ như cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, luật đất đai và luật lao động lạc hậu, cùng với bộ máy hành chính cồng kềnh.

Đất nước Nam Á này đã tiến bộ khá xa khi tăng 37 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của World Bank, nhưng vẫn đứng thứ 63 và còn cách Trung Quốc rất xa.

Câu chuyện của Indonesia cũng tương tự như vậy. Mặc dù Indonesia xếp trên Ấn Độ về mức độ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng bị kéo lùi bởi cơ sở hạ tầng yếu kém. Hồi tháng 9, Tổng thống Joko Widodo tự thừa nhận đất nước của ông không thể thu hút các nhà máy từ Trung Quốc vì nhà đầu tư vẫn lo ngại về các luật lệ cồng kềnh phức tạp.

Khi Sharp muốn chuyển dây chuyền sản xuất máy giặt từ Thái Lan sang Indonesia, công ty Nhật Bản đã phải mất 2 năm để hoàn tất khâu chuẩn bị, từ thiết kế địa điểm, tìm nhà cung ứng địa phương, thử nghiệm sản xuất và giải quyết tất cả các vấn đề hành chính, một lãnh đạo của Sharp cho biết.

Năm ngoái Indonesia đã triển khai hệ thống kê khai 1 cửa trực tuyến nhằm giúp các doanh nghiệp có thể lấy giấy phép kinh doanh dễ dàng hơn. Nhưng động thái này cũng không mang lại nhiều hiệu quả vì doanh nghiệp vẫn cần nhiều giấy phép từ chính quyền địa phương. Điều tương tự cũng tồn tại trong hệ thống thuế.

Trường hợp của Việt Nam cũng bị vướng mắc bởi vấn đề cơ sở hạ tầng. Dòng tiền đổ vào các nhà máy mới khiến đường sá và các cảng bị quá tải, ngày càng có nhiều lời than phiền và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng. Trong khi Trung Quốc sở hữu 7 trong số 10 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới (Thượng Hải đứng số 1), 2 cảng lớn nhất của Việt Nam là cảng Sài Gòn và Cái Mép lần lượt đứng thứ 26 và 50.

Và không chỉ các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại mới. Các doanh nghiệp Mỹ đã chuyển hướng 21 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu khỏi Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019. Trong đó Đài Loan là nơi hưởng lợi nhiều nhất với xuất khẩu tăng 4,2 tỷ USD trong cùng kỳ. Mexico đứng thứ hai với mức tăng 3,5 tỷ USD, sau đó là EU tăng 2,7 tỷ USD và Việt Nam tăng 2,6 tỷ USD.

Và trong khi các nền kinh tế chạy đua sao chép mô hình sản xuất của Trung Quốc, các công nghệ mới làm cho bản chất của chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất toàn cầu biến đổi rất nhanh, khiến câu chuyện thành công của Trung Quốc ngày càng khó lặp lại.

Sẽ không có một Trung Quốc mới mà đó là hàng loạt "Trung Quốc phiên bản mini".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại