Bloomberg: Sau giấy vệ sinh, chip... đến lượt nguyên liệu mà Việt Nam là nước hiếm hoi có thể sản xuất thiếu hụt!

Anh Vũ |

Các nhà sản xuất ô tô vẫn chưa giải quyết xong những thách thức như hàng loạt nhà máy phải đóng cửa do đại dịch, tình trạng thiếu chip toàn cầu... thì nay lại phải vật lộn với một vấn đề đau đầu khác của chuỗi cung ứng: Nguồn cung cao su ngày càng cạn kiệt.

Các hãng tàu đang làm gián đoạn quá trình vận chuyển của cao su tự nhiên - vật liệu quan trọng được sử dụng trong lốp xe cũng như các thành phần dưới mui xe. Điều này dẫn đến giá cao su tăng mạnh, nhiều nhà cung cấp ô tô của Mỹ đang gấp rút đảm bảo các lô hàng trước khi thị trường bị siết chặt hơn nữa.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp trên mọi thị trường đều phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, song có lẽ không ngành nào bị ảnh hưởng nặng nề hơn ngành ô tô. Nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động bởi cuộc khủng hoảng chất bán dẫn khiến hàng chục tỷ USD doanh thu "bay hơi", đồng thời vật liệu từ xốp, đến kim loại, rồi nhựa dẻo cũng ngày càng khó kiếm.

Từ lâu, ngành công nghiệp ô tô đã luôn cần đảm bảo tính chất "đúng hạn" để có thể tiết kiệm chi phí, thì giờ đây lại đối mặt với hạn chế về tính linh hoạt bởi những xáo trộn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra.

Sự thiếu hụt cao su có nguy cơ làm gián đoạn quá trình sản xuất xe, ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh hay có thêm gói kích thích kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD của Hoa Kỳ. Vấn đề này đặc biệt khó khăn, bởi một cây cao su cần 7 năm để trưởng thành, khiến nguồn cung khó có thể nhanh chóng phục hồi trở lại.

"Sự kiện này tương tự như sự kiện 'giấy vệ sinh' hồi đầu cuộc khủng hoảng Covid-19", ông Steve Wybo, người đứng đầu nhóm nghiên cứu ô tô tại công ty tư vấn Conway MacKenzie cho biết.

"Nếu bây giờ doanh nghiệp nào có khả năng tiếp cận nguồn cung nhựa hay cao su, họ sẽ có xu hướng đặt hàng nhiều hơn mức cần thiết, bởi họ không biết khi nào mới có thể mua được lô hàng tiếp theo".

Bloomberg: Sau giấy vệ sinh, chip... đến lượt nguyên liệu mà Việt Nam là nước hiếm hoi có thể sản xuất thiếu hụt! - Ảnh 1.

Ảnh: Maskur Has/SOPA Images/LightRocket/Getty Images

Các nhà sản xuất ô tô, bao gồm Ford Motor Co. và Stellantis NV thông tin rằng họ đang theo dõi tình hình cao su, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có tác động. Tương tự, General Motors Co. cho hay họ không lo lắng về nguồn cung cao su của mình.

Michelin (Pháp) - một trong những nhà sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới, đang giải quyết tình trạng tắc nghẽn cảng bằng cách sử dụng các chuyến hàng vận chuyển bằng đường hàng không trực tiếp từ châu Á.

"Tôi được cảnh báo rằng phải nhập nguyên vật liệu nhanh nhất có thể", Gary Busch, Giám đốc thu mua toàn cầu của Carlstar Group, công ty sản xuất lốp xe địa hình và xe nông nghiệp chia sẻ.

Cao su tự nhiên được sản xuất từ nhựa trắng của cây ở vùng khí hậu ấm, ẩm tại các nước như Việt Nam và Thái Lan.

Trong khi đó, cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ được dùng đối với một số sản phẩm như găng tay và băng dán bao bì - cả hai đều là những sản phẩm có nhu cầu tăng cao trong thời kỳ đại dịch. Nhưng nhìn chung, cao su gắn liền với ngành công nghiệp ô tô hơn bất kỳ ngành nào khác.

Cao su chủ yếu được sản xuất bởi các nông hộ nhỏ, do vậy các nhà sản xuất càng khó điều chỉnh nhanh chóng khi nhu cầu thay đổi, giá cả biến động hoặc các vấn đề về chuỗi cung ứng xuất hiện.

Đây cũng không phải thị trường hàng hóa duy nhất gặp khó khăn trong việc xử lý các vấn đề trên. Theo Trafigura Group, nếu không có mỏ mới nào được xây dựng, khoảng 10 triệu tấn đồng sẽ bị thiếu hụt vào năm 2030.

Bloomberg: Sau giấy vệ sinh, chip... đến lượt nguyên liệu mà Việt Nam là nước hiếm hoi có thể sản xuất thiếu hụt! - Ảnh 2.

Ảnh: Luke Sharrett/ Bloomberg

Thái Lan, nhà sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, trước đó đã phải vật lộn khi giá cao su giảm liên tục, khiến nông dân phải khai thác nhiều cây hơn. Nguồn cung càng bị thắt chặt khi đại dịch xảy ra, nhu cầu về găng tay cao su lại tăng cùng với ảnh hưởng của thiên tai (hạn hán, lũ lụt...) tại các quốc gia sản xuất hàng đầu.

"Mãi đến nửa cuối năm ngoái, các vấn đề về nguồn cung mới bắt đầu ảnh hưởng thị trường Mỹ, khi Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ cao su tự nhiên hàng đầu, tận dụng giá thấp và sự phục hồi của nền kinh tế để mua hàng loạt các lô hàng", Whitney Luckett, chủ sở hữu Simko North America, một trong ba nhà phân phối cao su tự nhiên ở Mỹ nói.

Theo bà Whitney, Trung Quốc đang tích trữ cao su cho dự trữ quốc gia thông qua việc nhập khẩu từ Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi sản xuất loại cao su được dùng trong băng dán, thành bên của lốp xe.

Báo cáo hồi tháng 1 của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên có trụ sở tại Kuala Lumpur chỉ rõ, đà mua đã khiến lượng mua cao su năm 2020 của Trung Quốc gần bằng với năm trước, ngay cả khi sự gián đoạn do đại dịch khiến nhập khẩu của Mỹ giảm 16%.

Bloomberg: Sau giấy vệ sinh, chip... đến lượt nguyên liệu mà Việt Nam là nước hiếm hoi có thể sản xuất thiếu hụt! - Ảnh 3.

Nguồn: Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên

Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, cao su tự nhiên đã tăng lên khoảng 2 USD/kg vào cuối tháng 2, mức cao nhất trong 4 năm trước khi có đợt giảm giá gần đây. Robert Meyer, cựu Giám đốc điều hành của tập đoàn cao su khổng lồ Halcyon Agri Corp., nhận thấy giá sẽ tăng cao tới 5 USD trong 5 năm tới.

Ngoài ra, theo công ty tư vấn AlixPartners, tình trạng thiếu chất bán dẫn trở nên trầm trọng hơn do các nhà sản xuất ô tô cắt giảm đơn đặt hàng trong giai đoạn giãn cách do Covid-19 - có thể khiến doanh thu ngành công nghiệp này mất khoảng 61 tỷ USD trong năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại